.

Lão ngư kiên cường bám biển

.

Ở quận Sơn Trà, nói về lĩnh vực đánh bắt hải sản, chính quyền địa phương và Hội Nông dân đều cho rằng ông Phạm Hừng, ở tổ 17 phường An Hải Tây là hạt nhân điển hình nhất.

Ông Phạm Hừng
Ông Phạm Hừng

Không chỉ kiên cường bám biển Hoàng Sa, hoạt động  đánh bắt hải sản của lão ngư này luôn đạt năng suất cao. Trong lúc lượng tàu cá của địa phương giảm dần, gia đình ông vẫn duy trì 3 chiếc đánh bắt xa bờ, tổng công suất hơn 1.700CV. Hàng chục năm nay, ông liên tục đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố. Ông vinh dự là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước của thành phố Đà Nẵng lần thứ IV, giai đoạn 2010-2015.  

Sinh ra trong gia đình có nghề đánh bắt hải sản lâu đời, 15 tuổi, Phạm Hừng (quê Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã xuống tàu theo cha ra biển. Sóng gió biển khơi đã tôi luyện cho Phạm Hừng bản lĩnh can trường và kinh nghiệm dạn dày trong đánh bắt hải sản. Khi lớn lên, ông sắm tàu riêng. Ban đầu chỉ là chiếc tàu công suất 22CV đánh bắt gần bờ. Dần dần tích lũy, bán tàu nhỏ ông đầu tư đóng tàu công suất lớn.

Đến năm 1994, gia đình ông đã sở hữu 5 tàu đánh bắt xa bờ, tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng. Thời gian gần đây, khi lao động nghề biển khó khăn, ông bán 2 chiếc, cải hoán, nâng cấp 3 chiếc còn lại. Liên tục nhiều năm nay, mỗi năm 9-10 chuyến biển, 3 tàu cá ĐNa 90198 TS, ĐNa 90529 TS, ĐNa 90225 TS của gia đình ông kiên cường bám biển Hoàng Sa. Ở tuổi 63 nhưng ông vẫn trực tiếp làm thuyền trưởng tàu ĐNa 90198 TS - công suất lớn nhất 734 CV.

Năm 2003, khi còn ở Quảng Ngãi, tàu QNg 98399 TS do ông làm thuyền trưởng đang đánh bắt tại vùng đánh cá chung ở vịnh Bắc Bộ bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Đang chới với giữa biển khơi, lính trên tàu Trung Quốc đã vớt ông và 10 ngư dân lên tàu họ, đưa về đảo Hải Nam giam giữ.

Qua phản đối kịch liệt và kiên trì đấu tranh của Nhà nước ta, 2 tháng sau đó, phía Trung quốc buộc phải trao trả ông và 10 ngư dân khác về Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Sau khi trở về, mọi người đều nghĩ ông sẽ từ giã biển khơi khi chiếc tàu và ngư lưới cụ trị giá hơn 1 tỷ đồng đã nằm dưới đáy biển. Thế nhưng, tình yêu biển cả đã thấm vào máu thịt, chẳng bao lâu ông lại cùng mọi người nhắm hướng ngư trường Hoàng Sa thẳng tiến.

Hơn 10 năm là cư dân Đà Nẵng, năm nào đội tàu của ông cũng bám biển trên 200 ngày. “Nghề biển, nhất là nghề lưới cản đánh bắt xa bờ, tháng nào cũng lênh đênh trên biển hơn 3 tuần. Không ít chuyến vừa đối mặt với sóng to gió lớn, vừa phải đương đầu với tàu Trung Quốc gây khó dễ. Không can trường thì khó bề trụ vững ở vùng biển Hoàng Sa.

Nhiều lúc, cũng muốn đưa tàu đến ngư trường khác đánh bắt cho yên chuyện. Nhưng rồi nghĩ kỹ, không thể rời xa ngư trường truyền thống bao đời nay của cha ông. Cũng vì vậy, mỗi khi ra biển, tôi đều động viên mọi người, dù gian nan nguy hiểm đến mấy cũng kiên cường bám ngư trường Hoàng Sa bằng mọi giá”, ông Phạm Hừng tâm sự.

Không chỉ kiên cường bám biển Hoàng Sa, chuyến biển nào từ khơi xa trở về, tàu ông Hừng đều đạt năng suất cao. 3 tàu của ông đóng góp sản lượng hải sản cho thành phố từ 350-400 tấn. Trừ chi phí, gia đình có lãi ròng ngót tỷ đồng. Ngư dân trên tàu thu nhập 60-70 triệu đồng/người/năm. Thu nhập cao và ổn định, ngư dân gắn bó lâu dài và đây cũng là yếu tố giúp đội tàu của ông liên tục bám biển. Nhờ thu nhập cao từ đánh bắt hải sản, gia đình ông Hừng có cuộc sống khá giả, 4 đứa con đều học đại học và đã ra trường có công việc ổn định.

63 tuổi, lão ngư Phạm Hừng vẫn một lòng chung tình với biển. Sự nỗ lực và ý chí quyết tâm bảo vệ ngư trường truyền thống của ngư dân cao tuổi này thật đáng ghi nhận.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

;
.
.
.
.
.