.

Lời cảm ơn thôi, chưa đủ…

.

Xin mượn bài viết này như một lời cảm ơn đến những người mà chúng tôi chưa có nhiều dịp gặp mặt, chưa kịp biết tên, nhưng đã luôn âm thầm theo dõi những mảnh đời khó khăn được phản ánh trên Báo Đà Nẵng để rồi lặng lẽ sớt chia.

Đại diện Phòng Bạn đọc Báo Đà Nẵng (phải) trao tiền ủng hộ của bạn đọc cho người nhà của cháu Trần Thị Minh Thư bị ung thư máu đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi.				                   Ảnh: HOÀNG HIỆP
Đại diện Phòng Bạn đọc Báo Đà Nẵng (phải) trao tiền ủng hộ của bạn đọc cho người nhà của cháu Trần Thị Minh Thư bị ung thư máu đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Các cô, bác, anh, chị và có cả các em đã đến với những hoàn cảnh thương tâm bằng nhiều cách khác nhau, với những sự trợ giúp khác nhau, nhưng đều xuất phát từ nỗi niềm “đọc báo thấy xót ruột quá không chịu được”.

Gặp phóng viên Báo Đà Nẵng, ông bố trẻ có con trai bị ung thư rơm rớm nước mắt nói lời cảm ơn. Anh tâm sự: Lúc phóng viên đến viết bài về hoàn cảnh gia đình mình, anh không dám hy vọng nhiều, bởi nghĩ rằng, xã hội còn biết bao người khổ, giúp sao cho hết. Lúc ấy, anh cũng đang suy sụp cùng nỗi đơn độc trên hành trình chữa bệnh cho con.

Thế nhưng, khoảng một tuần sau khi chuyện con trai lên báo, anh cảm nhận như có rất nhiều bàn tay, hơi ấm vực mình dậy trong khổ đau. “Nhiều cô, chú đọc báo xong gọi điện hỏi thăm thân thương như người nhà. Xúc động nhất là có cô ở quận Cẩm Lệ gọi đến nhà nhận tiền trợ giúp. Đến nơi, tôi mới biết cô bị ốm, nằm một chỗ không đi lại được. Cô động viên rất nhiều và còn tỏ ra áy náy vì không thể tự đi trao tiền hỗ trợ”.

Cũng trong khoảng thời gian đó, mẹ cậu bé bị ung thư này gọi điện thoại cho phóng viên rồi khóc nức nở mãi không nói được. Chị cho biết, vừa đón một vị khách vào phòng thăm bé. Vị khách bằng tuổi chị và cũng có con mới lên 3 như con trai chị. Hai bà mẹ ngồi khóc với nhau, an ủi nhau và vị khách ấy tặng bé 1,5 triệu đồng uống sữa trước khi ra về. Người phụ nữ không quen ấy chỉ nói đôi chút về bản thân là: Trông tới chiều, làm việc xong để chạy vào thăm bé liền vì thương quá!

Báo Đà Nẵng thường tiếp nhận những lời kêu cứu và tại đây, chúng tôi cũng được chứng kiến rất nhiều sự giúp đỡ đặc biệt. Có anh ở quận Thanh Khê, làm gì thì làm, mỗi tháng đều ghé Báo một lần và tặng từ 200.000 - 600.000 đồng. Anh nói: “Vài trăm nghìn đồng mình nhậu cái là xong, nhưng với người nghèo khó, chừng ấy tiền thật cần thiết”.

Cán bộ, công nhân viên Ngân hàng NN&PTNT Đà Nẵng được anh em Phòng Bạn đọc Báo Đà Nẵng gọi là “mối ruột”. Bởi định kỳ và cả đột xuất, các anh chị lại ghé Báo để hỗ trợ hoàn cảnh thương tâm. Nguồn tiền giúp đỡ không chỉ được trích ra từ quỹ nhân ái của ngân hàng, mà có khi là tiền thưởng cá nhân hoặc phần thưởng của phòng cũng được tặng lại. 

Có bác đại diện câu lạc bộ người cao tuổi mang đến cả một bọc tiền lớn với nhiều mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, v.v… và nhờ phóng viên xúm lại đếm hộ coi được bao nhiêu cho hết.

Các phóng viên còn có một kỷ niệm rất vui. Đó là lúc nhận được cuộc gọi của độc giả trên đường Nguyễn Phi Khanh nói đến nhà nhận tiền hỗ trợ. Gia chủ là một bác trai đã hơn 90 tuổi. Bác trai lén giấu tiền các con biếu bố tiêu vặt và gói ghém cẩn thận vào một tờ lịch. Tổng số tiền dành dụm được 2 triệu đồng, bác cho tất. Thấy vậy, bác gái ngạc nhiên: “Vậy mà ngày nào ổng cũng than thở không có tiền, mua đồ gì cũng bảo tôi bỏ tiền ra”. Nói vậy thôi, chứ bác gái cười rất tươi và hãnh diện trước nghĩa cử của ông xã.

Có hai bác ở tận thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang xuống Bệnh viện C Đà Nẵng điều trị bệnh. Chân bị đau nên bác gọi phóng viên đến nhờ trao giúp 100.000 đồng cho cháu bé rơi vào hoàn cảnh éo le: mẹ mất, bố bạo bệnh. Hai bác bảo mình có ốm đau cũng còn hạnh phúc, chỉ thương cháu bé bơ vơ không ai chăm sóc, đỡ đần.

Ngoài độc giả lớn tuổi, có những em bé mới học lớp 6, lớp 7 cũng được bố mẹ đưa đến Báo Đà Nẵng tặng tiền giúp bạn khó khăn. 500.000 đồng rút từ heo đất được cháu làm quà cho những bạn nghèo khó hơn…

Với những phóng viên thường xuyên hoặc thi thoảng viết về hoàn cảnh thương tâm, điều áp lực nhất không phải là chuyện đi xác minh thông tin hay ngồi cặm cụi viết bài, mà là làm sao tròn trách nhiệm với nhân vật mình phản ánh. Đôi khi phóng viên mang nỗi lo mơ hồ rằng, liệu bài viết của mình có đem lại điều gì tốt đẹp cho nhân vật không; những con người, số phận mình phản ánh có nhận được nhiều sự sẻ chia sau bài viết không. Nhưng rồi sau mỗi bài đăng báo, điều phóng viên nhận được đôi khi nhiều hơn cả vật chất, đó là một cảm giác ấm áp khó nói thành lời trước bao điều tốt đẹp vẫn hiện hữu trong cuộc đời…

THU HOA

;
.
.
.
.
.