Chính trị - Xã hội
Ngôi trường trong thời chiến
Cách đây đúng 50 năm (1965-2015) có một ngôi trường trong vùng giải phóng huyện Bắc Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam mang tên: “Trường phổ thông cấp II Nguyễn Văn Trỗi huyện Bắc Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam”. Cũng được biết, đây là một trong những ngôi trường ra đời sớm nhất ở vùng giải phóng miền Nam.
Lãnh đạo huyện Phú Ninh cùng cựu thầy trò nhà trường tại Bia tưởng niệm. (Ảnh tư liệu) |
Có thể nói, không thể ngờ và tin được rằng, trong hoàn cảnh chiến tranh, với muôn vàn công việc phải lo toan, phải giải quyết trên chiến trường với kẻ địch (lúc đó, Mỹ đã đổ quân vào miền Nam), Mặt trận Dân tộc giải phóng vẫn rất quan tâm đến nền giáo dục, đến thế hệ trẻ đang bị thất học trong vùng giải phóng.
Và có thể nói, không thể hiểu và tưởng tượng được rằng, trong hoàn cảnh chiến tranh, đạn bom vô cùng khốc liệt, địch càn quét liên miên, vậy mà thầy và trò vẫn tổ chức dạy và học từ tháng 9-1965 đến tháng 12 - 1967 với gần 400 học sinh, từ lớp 5 đến lớp 7 hệ 10/10.
May thay, được gặp, trò chuyện với các cựu giáo viên và cựu học sinh của trường nay tóc đã bạc trắng, chúng tôi mới “khám phá” ra được một phần của “tảng băng đỏ còn chìm” ấy. Đặc biệt, khi lần giở từng trang bản thảo “Kỷ yếu: Ngôi trường trong thời chiến” nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường do các cựu giáo viên và cựu học sinh của trường đang chuẩn bị xuất bản, chúng tôi mới rõ được ngọn ngành.
Trường được thành lập vào ngày 2-9-1965; khai giảng sau đó khoảng hai tuần ở hai cơ sở: Tây Nam và Tây Bắc Tam Kỳ (nay là Tam Dân, Tam Lộc). Học sinh tuổi từ 12 đến 15, từ các xã giải phóng đến học. Trong đó, gian nan, nguy hiểm nhất là đối với các học sinh ở vùng Đông Tam Kỳ (nay là Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Phú). Vì trường ở xa, nên các học sinh này phải “nội trú trong nhà dân” và tự túc hoàn toàn việc ăn ở, học hành. Nguy hiểm nhất là mỗi lần về nhà lấy gạo, lương khô lên trường, phải đi vào ban đêm và phải băng qua quốc lộ 1A do địch kiểm soát hết sức gắt gao.
Các lớp học được tổ chức tại các nhà dân hoặc trong rừng cây, hốc núi. Học vào ban đêm là chính, dưới các hầm trú ẩn tránh bom pháo. Học sinh tự túc mang theo bàn ghế để học. Các thầy, cô giáo tuổi từ 18 đến 22, là lớp giáo sinh khóa I của Trường Trung cấp sư phạm Trung Trung bộ; trong đó, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hải mới 18 tuổi. Các thầy, cô giáo cùng ăn ở với học sinh trong nhà dân. Bà con thương yêu, đùm bọc như con cháu mình.
Dạy và học trong hoàn cảnh và điều kiện như vậy mà thầy trò vẫn hăng say, dạy tốt, học tốt, không có trò nào ở lại lớp. Ngoài ra, các thầy trò còn tham gia cùng Đội du kích chống địch càn, đào giao thông hào, địa đạo, giúp dân trong việc đồng án… Rồi một số học sinh lớn đăng ký tòng quân. Cho đến ngày 20-12-1967, theo lệnh cấp trên, trường giải thể để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân- 1968. Tất cả thầy cô giáo và đa số học sinh (trên 200 người, trừ các lớp nhỏ) đã “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ.
Tổng kết quá trình tham gia, đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng trong hòa bình, trường có 5 liệt sĩ là thầy giáo; 74 liệt sĩ là học sinh, 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 30 thương bệnh binh là thầy và trò. Sau chiến tranh, nhiều học sinh còn sống đã phấn đấu vươn lên. Có nhiều người thành đạt, là kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư, luật sư, nhà văn, sĩ quan cao cấp trong quân đội, công an. Trong đó có một thiếu tướng… Trường PTCS Tam Dân được tỉnh Quảng Nam quyết định đổi tên thành Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi để nối tiếp truyền thống.
Một chuyện vô cùng đau buồn, xót xa, không thể không kể ra đây, đó là vào trưa ngày 12-11-1965, bọn Mỹ dã man dội bom sát hại 11 học sinh ngay tại trường. Nhà nước đã truy tặng liệt sĩ cho 11 học sinh này. Và tỉnh Quảng Nam đã có quyết định công nhận nền trường - nơi 11 học sinh bị bom Mỹ sát hại là “Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh”.
Vừa qua, các cựu giáo viên và cựu học sinh của trường đã tự xây dựng ngay trên hố bom xưa “Bia tưởng niệm” bằng đá, khắc tên các em, các bạn của mình. Tuy nhiên, nhìn tổng thể khu vực di tích còn rất hoang sơ, khiêm nhường, chật chội, nằm khuất phía sau nhà dân, không có lối vào.
Nhân dân trong vùng, thầy trò Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi và cựu giáo viên, học sinh của trường xưa rất lấy làm ái ngại về thực trạng của di tích này. Và rất mong sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, các sở, ngành trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, trong đó có “Di tích lịch sử văn hóa” là Trường phổ thông cấp II Nguyễn Văn Trỗi, huyện Bắc Tam Kỳ, Quảng Nam.
NGÔ NGỌC DƯƠNG