Chính trị - Xã hội

Đóng bảo hiểm xã hội theo thu nhập: Ai được lợi?

07:21, 11/09/2015 (GMT+7)

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi 2014 thay đổi phương thức tính mức thu BHXH, thay vì chỉ tính trên lương thì sẽ được thu trên cả những khoản thu nhập ngoài lương của người lao động từ ngày 1-1-2018. Như vậy, số tiền đóng của người lao động và sử dụng lao động đều tăng lên.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội cho rằng, tăng mức đóng bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động (ảnh minh họa).
Cơ quan Bảo hiểm xã hội cho rằng, tăng mức đóng bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động (ảnh minh họa).

Đóng nhiều, hưởng nhiều

Mấy ngày nay, cả xóm trọ gần Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) xôn xao về quy định mới của Luật BHXH sửa đổi. “Mình không rõ lắm, chỉ biết rằng người lao động tụi mình phải đóng thêm tiền BHXH. Cũng hơi lo vì hiện nay thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống”, chị Nguyễn Thị Hà (27 tuổi, quê ở Nam Định), nhân viên Công ty TNHH MTV Khai thác và quản lý hầm đường bộ Hải Vân Hamadeco nói.
Chị Hà cho biết, thu nhập hiện nay khoảng hơn 3 triệu đồng, trả các khoản tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống… đã gần hết. Tuy nhiên, theo chị Hà, dù đóng nhiều hơn một chút nhưng nếu về hưu hoặc xin nghỉ nhận chế độ BHXH 1 lần mà được hưởng nhiều hơn thì vẫn có lợi.

Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp (DN) cho biết, chính sách này có lợi cho người lao động và DN cũng ủng hộ bởi người lao động có chế độ đãi ngộ tốt sẽ yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị. “Dù vậy, nhiều DN sẽ phải sắp xếp lại tổ chức, cắt giảm nhiều khoản thì mới cân đối được thu chi để đóng BHXH”, giám đốc một DN trên địa bàn quận Thanh Khê cho biết.

Theo ông Văn Phú Long, Trưởng phòng Thu thuộc BHXH thành phố Đà Nẵng, đến ngày 1-1-2018 sẽ thu BHXH trên mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Như vậy, nếu không tính phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ thì tổng tỷ lệ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2016 theo văn bản quy định hiện hành là 32,5%; trong đó, đơn vị sử dụng lao động đóng 22%, người lao động đóng 10,5% tiền lương tháng.

Sự thay đổi này sẽ giúp người lao động tích lũy lâu dài, khi hết thời gian lao động sẽ nhận được mức lương hưu cao hơn so với mặt bằng hiện nay. Ngoài ra, BHXH dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng nên không chỉ hưởng lương hưu hay chế độ 1 lần cao hơn mà tất cả các chế độ khác như: nghỉ thai sản, ốm đau… đều sẽ có mức hưởng cao hơn.

Dễ “lách” luật

Theo thống kê mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, mức tiền lương đóng BHXH bình quân hằng tháng hiện chỉ bằng khoảng 60% thu nhập thực tế của người lao động. Như vậy, quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tiến dần tới thu nhập thực tế là một quy định nhân văn, khi đó DN phải đóng BHXH dựa trên công sức bỏ ra của người lao động. Luật BHXH mới thực hiện theo lộ trình: 2016-2017 thu BHXH trên mức lương cộng phụ cấp lương (chưa có bổ sung khác) và đến ngày 1-1-2018 sẽ thu BHXH trên mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.

Tuy nhiên, một cán bộ ngành LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng, việc kiểm soát được thu nhập thực tế của người lao động tại DN là điều không dễ dàng. “Thường thì hầu hết DN không công khai mức thu nhập thực tế gồm: lương, phụ cấp, trợ cấp… của DN mình. Bây giờ rất dễ xảy ra trường hợp DN đóng BHXH cao hơn nhưng lại hạ thấp các khoản khác hoặc trốn đóng, nợ BHXH”, vị cán bộ này nhận định.

Ông Văn Phú Long cho biết, lâu nay, BHXH chưa thể thanh kiểm tra và xử phạt các đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH. “Lâu nay, việc thanh kiểm tra về BHXH đều do thanh tra của Sở LĐ-TB&XH phối hợp với địa phương tiến hành nhưng lực lượng thanh tra mỏng, địa bàn rộng nên rất khó triển khai. Bởi vậy, từ ngày 1-1-2016, cơ quan BHXH có chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm. Điều này sẽ góp phần hạn chế những trường hợp “né” đóng BHXH”, ông Long nói.

Bài và ảnh: P.TRÀ

.