Chính trị - Xã hội
Di tích K20: Điểm đến còn bỏ ngỏ
Là di tích lịch sử cấp quốc gia, khu căn cứ cách mạng K20 (khối phố Đa Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) là di tích sống động về lịch sử hào hùng một thời của nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng. Được coi là điểm đến mới của du lịch về nguồn, nhưng đến nay điểm đến này vẫn còn bỏ ngỏ.
Lối xuống hầm của nhà ông Huỳnh Trưng được tu sửa lại khá rộng, du khách có thể xuống hầm trải nghiệm. |
Sản phẩm độc đáo
Khu căn cứ cách mạng K20 là tên gọi do Quận ủy Quận Ba đặt để làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ, là khu căn cứ bí mật, độc đáo nằm giữa lòng địch, một trong những căn cứ cách mạng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là vùng đệm để bộ đội, cán bộ và du kích ta làm bàn đạp tấn công vào căn cứ Mỹ-ngụy. Hiện nay, khu căn cứ có các di tích như nhà thờ tộc Huỳnh Văn, nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Nguyễn, nhà ông Huỳnh Trưng, nhà ông Nguyễn Lý… Ngoài ra, để ghi lại những chiến công của một thời hào hùng, Nhà truyền thống K20 đã được xây dựng để lưu giữ các hiện vật, tài liệu, chứng tích của thời kỳ đấu tranh kiên cường, anh dũng của quân và dân khu căn cứ cách mạng K20.
Nằm sát bờ sông, ngôi nhà của ông Huỳnh Trưng vẫn còn giữ được chiếc hầm bí mật được xây dựng ngay dưới bàn thờ trong nhà dùng để nuôi giấu cán bộ, thương binh trong suốt thời gian từ 1968-1975. Chỉ vào cửa hầm, ông cho biết, chiếc hầm này đã được trùng tu, sửa sang lại rộng rãi hơn để du khách có thể trải nghiệm cảm giác khi chui hầm đi ra ngoài. Rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế tìm đến các di tích này để tham quan như Anh, Pháp, Nhật Bản… Nhiều đoàn khách còn ở lại nấu ăn, tìm hiểu về di tích đến chiều mới về.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng đánh giá di tích K20 là một trong những di tích lịch sử độc đáo của điểm đến Đà Nẵng, là sản phẩm mới góp phần định hình thêm tour, tuyến cho du lịch Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiện nay K20 vẫn còn khá hoang sơ, điểm đến có tiềm năng nhưng chưa có hệ thống dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Chưa khai thác hiệu quả
Một điều dễ nhận thấy, dù mang nhiều ý nghĩa lịch sử, có nhiều du khách tìm đến, nhưng di tích này vẫn chưa là một điểm đến hoàn thiện, bởi nếu đi đường sông thì chưa có cầu cảng, đường bộ thì chưa có chỗ để xe, điện chiếu sáng, chỗ nghỉ chân cho du khách… Bên cạnh đó, nhà truyền thống đã được xây dựng hoàn thiện, ngoài các hiện vật đã được trưng bày còn có một phòng được trang bị máy chiếu, bàn ghế để chiếu phim, thuyết minh cho khách nhưng lại chưa có hệ thống điện, nước.
Bí thư Đảng ủy phường Khuê Mỹ, bà Trần Thị Mẫn cho biết, khu căn cứ cách mạng K20 mới được trùng tu giai đoạn 1 ở một số hạng mục như nhà thờ tộc Huỳnh Văn, nhà thờ bà Nhiêu, nhà ông Huỳnh Trưng. Riêng nhà thờ tộc Nguyễn và nhà truyền thống được xây mới hoàn toàn. Các hạng mục còn lại cũng như hệ thống điện, đường, cống thoát nước thuộc giai đoạn 2 (chưa triển khai) nên mọi thứ vẫn chưa hoàn thiện.
Hiện tại, do di tích chưa có Ban quản lý nên du khách muốn tham quan khu căn cứ cách mạng K20 phải liên hệ với phường Khuê Mỹ, phường sẽ phân công người để dẫn đoàn xuống các điểm, mở cửa nhà truyền thống, mời người hướng dẫn là những cô, chú từng tham gia hoạt động ở K20 để thuyết minh về các hiện vật trưng bày cũng như về các di tích rất sinh động ở đây. Tuy nhiên, do phường không có người phụ trách riêng nên nhiều khi cũng bất tiện...
Bà Mẫn cho biết thêm, gần đây, UBND quận Ngũ Hành Sơn, Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn có dự thảo phương án thành lập tổ quản lý Khu căn cứ cách mạng K20 thuộc Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. “Khi có tổ quản lý chuyên môn đi vào hoạt động, có người thường xuyên trực ở đó, công tác quản lý, vệ sinh môi trường cũng như hướng dẫn viên đối với du khách trong và ngoài nước đến tham quan di tích sẽ hoạt động hiệu quả hơn”, bà Mẫn chia sẻ.
Bài và ảnh: Nhật Hạ