Chính trị - Xã hội

Lo ngại trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật

07:55, 30/10/2015 (GMT+7)

Chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ, những cậu bé sẵn sàng cướp đi sinh mạng của người khác và đóng cửa tương lai của chính mình. Tình trạng trẻ vị thành niên gây án đang là nỗi lo của toàn xã hội.

Cần nhiều hơn nữa sân chơi cho thanh, thiếu niên.
Cần nhiều hơn nữa sân chơi cho thanh, thiếu niên.

Người dân sống gần chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) vẫn còn nhớ vụ án mạng kinh hoàng bởi những lý do không đâu vào đâu. Lúc đó, trời chạng vạng tối, cả nhóm gồm 4 nam thanh niên nhậu tại chợ đêm Hòa Khánh. Rượu vào lời ra, sẵn hơi men trong người, thêm việc thấy “chướng” vì Nguyễn Viết Sơn (15 tuổi, quê Quảng Nam) không chịu qua bàn mình mời rượu, Nguyễn Xuân Kỳ (28 tuổi, quê Quảng Nam) đã đuổi đánh Sơn. Tức khí, Sơn vào bếp lấy 2 con dao nhọn và quay lại trả đũa. Bị một thanh niên trong nhóm ngăn cản, Sơn đã đâm chết người này.

Những giọt nước mắt cùng những lời sám hối muộn màng của Sơn khi bị bắt cũng không cứu được mạng sống của người bạn cùng bàn nhậu và tương lai của chính mình. Điều đáng nói, Sơn vốn là cậu bé chăm chỉ và có hiếu với bố mẹ. Trước đó, cậu còn định dành tháng lương làm công phụ bán bánh xèo của mình để gửi về cho mẹ đang nằm viện ở quê nhà. Thế nhưng, mọi dự định đã không thể thực hiện chỉ vì một phút nông nổi…

Hầu hết các bạn trẻ hiện nay vào facebook để kết bạn, chia sẻ. Bên cạnh mặt tích cực là sẻ chia, facebook cũng là nơi để các cô cậu “choảng” nhau bằng lời rồi hẹn gặp trực tiếp để “động chân động tay”. Gần đây nhất là vụ nhóm của Huỳnh Hữu Như Minh (16 tuổi, ở quận Hải Châu) chém Lê Duy Vỹ (15 tuổi, ở quận Hải Châu) gây thương tích nặng. Nguyên nhân chỉ đơn giản do trước đó, Minh và Vỹ mắng nhau trên trang facebook. Sau đó, để “rửa hận”, Minh rủ đồng bọn mang theo dao kiếm đi chém Vỹ.

Theo thống kê của Công an thành phố Đà Nẵng, trong những năm gần đây, trên địa bàn thành phố xảy ra hơn 1.200 vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật với tổng số hơn 1.800 đối tượng. Hành vi của các em chủ yếu là: trộm cắp tài sản, gây rối, cố ý gây thương tích, sử dụng trái phép chất ma túy…

Theo Trung tá Đặng Ngọc Việt, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an thành phố Đà Nẵng (PC45), hầu hết trẻ em vi phạm pháp luật tập trung từ 16-18 tuổi. Ở lứa tuổi chưa thành niên, các em thường thích tự khẳng định mình trong khi chưa thật sự có được khả năng đó. Ngoài ra, hầu hết các em thiếu kỹ năng sống, dễ bị kích động, khó tự kiềm chế nên khi bị kích động sẽ có hành vi mang tính chất bộc phát, thiếu suy nghĩ, chưa phân biệt đúng sai nên dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. “Hành vi của các em thường diễn ra rất nhanh chóng, mang tính chất manh động, liều lĩnh. Hầu hết các em không có giai đoạn chuẩn bị mà nảy sinh ý định là thực hiện ngay nên phương thức thủ đoạn khi thực hiện thường không tinh vi, xảo quyệt”, Trung tá Đặng Ngọc Việt nói.

Điều đáng nói hiện nay, trong số người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở Đà Nẵng, số em bỏ học chiếm khá cao (1.000/1.800 em) và có xu hướng tăng. Trung tá Đặng Ngọc Việt cho rằng, kinh tế khó khăn, thất nghiệp cùng với việc cha mẹ thiếu quan tâm cũng là nguyên nhân khiến các em chán nản, bỏ học theo bạn xấu. Do đó, điều căn bản nhất là tạo mọi điều kiện giải quyết tốt việc làm, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động để các em đều được đến trường, tránh xa tệ nạn xã hội.

Còn theo ông Trần Văn Hồng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Ngũ Hành Sơn, cần có biện pháp quản lý chặt hơn nữa loại hình dịch vụ Internet, bởi hiện nay nhiều quán Internet mở cả ngày, thậm chí đến đêm khuya, thu hút khá đông học sinh chơi game. Từ đó, nhiều em nghiện game, chán học và vi phạm pháp luật vì muốn kiếm tiền để tiếp tục chơi.

Bài và ảnh: THỦY NGÀ

.