Chính trị - Xã hội

Nỗi lo những con thuyền nhỏ

07:33, 30/10/2015 (GMT+7)

Ở tuổi gần 80 nhưng với ông Nguyễn Hạnh, ở tổ 20, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, cái ngày em trai ông là Nguyễn Ngọt bị đuối nước chết ngay gần bãi Chuồi là nỗi ám ảnh không bao giờ quên.

Một nghịch lý là trong khi tàu lớn ngày càng chú trọng đến an toàn giao thông thì các thuyền nhỏ lại hầu như không chú ý đến điều này.
Một nghịch lý là trong khi tàu lớn ngày càng chú trọng đến an toàn giao thông thì các thuyền nhỏ lại hầu như không chú ý đến điều này.

Đó là một buổi sáng tháng 10-2011, sau chuyến đi đánh bắt cá ngoài biển về đến gần bãi Chuồi thì chiếc ghe máy bị thủng, nước tràn vô, chiếc ghe chìm luôn. Mặc dù là một ngư dân dày dạn sông nước, nhưng do sóng lớn, ông Ngọt bơi một đoạn rồi đuối dần và chìm luôn. Sau cái chết của  em ruột, gia đình ông Hạnh bán chiếc ghe máy và mua lại chiếc thuyền nhỏ để đánh bắt cá gần bờ, bởi theo ông như vậy sẽ an toàn hơn.

Mặc dù vậy, khi xuống xem chiếc thuyền nhỏ, tôi thấy sự kém an toàn của chiếc thuyền này. Thuyền quá cũ, ở đâu cũng thấy những vết trám trét chống rỉ nước, trên thuyền không có thiết bị cứu sinh. Tôi hỏi chuyện, ông Hạnh nói tỉnh queo: “Mình đánh ven bờ sợ chi, hơn nữa kinh nghiệm sông nước cả đời thì khi mô sóng lớn là nghỉ thôi”.

Trường hợp của gia đình bà Đoàn Thị Phượng, ở tổ 12, phường Nại Hiên Đông có phần may mắn hơn. Năm 2011, tàu của gia đình bà, gồm có chồng và 3 người con trai, khi đánh bắt cá ở ngoài biển, về đến gần cầu Thuận Phước bị chìm vì thủng một mảng to nước vào quá nhanh. Cứu không được thuyền, cả 4 cha con quyết định nhảy xuống sông bơi vào bờ, nhưng do sóng lớn, bơi được một đoạn là đuối dần. Rất may, lúc đó có một tàu đánh cá vừa kịp cứu được cả 4 người. Sau tai nạn đó, lãnh đạo phường và Bộ đội Biên phòng đến thăm và tặng cho mấy bộ áo phao…

Những câu chuyện về tai nạn sông nước như thế hầu như gia đình nào có ghe, thuyền nhỏ hoạt động trên cửa sông Hàn đều gặp phải. Gia đình không may mắn thì có người chết; gia đình nào đỡ hơn, thuyền thủng chìm phải bơi vào bờ thoát thân. Có điều thật lạ là, hầu hết mọi người rất ít quan tâm đến trang bị những thứ phòng thân như chiếc áo phao chẳng hạn.

Ước tính, tại khu vực dọc sông Hàn từ cầu Tiên Sơn đến cầu Thuận Phước và ven bán đảo Sơn Trà hiện nay có hơn 100 chiếc thuyền nhỏ của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản ven bờ hoặc chở người, hàng hóa. Chủ nhân của những chiếc thuyền nhỏ này không quan tâm mấy đến công tác đảm bảo an toàn khi hoạt động trên sông nước.

Thấy rõ điều này, các cơ quan chức năng đã cố gắng tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân các thiết bị đảm bảo an toàn đề phòng bất trắc. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù việc tiếp cận với các chủ thuyền loại nhỏ này khó khăn do họ hoạt động nhiều nơi, thời gian làm việc bất thường, nhưng phải luôn cố gắng tiếp cận để tuyên truyền và cung cấp các thiết bị an toàn như áo phao trước mỗi mùa bão đến. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, họ quên hết mọi thứ được tuyên truyền, áo phao cũng mất luôn.

Ông Lê Sáu, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố chia sẻ: “Đi kiểm tra trực tiếp trên sông và vùng ven biển mới thấy lo cho ngư dân vì họ chủ quan quá. Thuyền thì nhỏ và cũ kỹ, lại chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Vì vậy nếu xảy ra sự cố thì các cơ quan chức năng khó tiếp cận kịp thời để hỗ trợ, trong khi họ không có trang thiết bị cứu hộ nào cả”.

Vì vậy, cần có giải pháp hữu hiệu hơn để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho những ngư dân hoạt động trên các phương tiện nhỏ bé này, nhất là vào mùa mưa bão.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

.