.

Quy trình lập pháp và đối thoại chính sách: Vai trò của các tổ chức xã hội

.

Dự án “Tăng cường mạng lưới các tổ chức xã hội và các bên liên quan trong việc huy động người dân tham gia vào quy trình lập pháp và đối thoại chính sách; và góp ý xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật ban hành quyết định hành chính”(C4-046) do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng thực hiện với sự tài trợ của Paraff hoàn toàn phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các hội đoàn thể là thành viên của Mặt trận.

Thông qua các hoạt động trao đổi thông tin, tập huấn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tham vấn… Dự án nỗ lực tăng cường mạng lưới các tổ chức xã hội và các bên liên quan trong việc huy động người dân tham gia góp ý xây dựng Luật ban hành quyết định hành chính nhằm cải thiện quy trình ra quyết định và xây dựng được cơ chế giám sát có sự tham gia của người dân một cách hiệu quả. Đồng thời, với các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực, dự án cũng góp phần tăng cường sự tham gia của chính các tổ chức xã hội và các bên liên quan vào quá trình đối thoại và góp ý xây dựng Luật ban hành quyết định hành chính.

Dự án hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu, sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân; đồng thời phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được nêu cụ thể tại Chương 2 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Góp phần nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam tập hợp ý kiến, nguyện vọng của các tổ chức xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Nhà nước, xây dựng chính sách pháp luật theo Quyết định số 218 ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị.

Khung pháp lý quy định cụ thể về quy trình cụ thể về quy trình tham gia vào quá trình lập pháp của các tổ chức hội:

- Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 84: “1. Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định tại Điều 4: “1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức khác, cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân có quyền tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. 2. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản”.

- Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hiệu lực từ 1-1-2016 : “Điều 21. Tham gia xây dựng pháp luật

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh; trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án luật, pháp lệnh.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác; kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật trái Hiến pháp và pháp luật.

3. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến; tiếp thu và phản hồi kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó còn nhiều luật có liên quan nhấn mạnh vai trò của các tổ chức xã hội tham gia xây dựng pháp luật như: Luật Công đoàn năm 1990, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 13-4-2012 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 1-11-2010 về việc quy định hội có tính chất đặc thù…

Thực tiễn những năm vừa qua có nhiều luật, pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật hằng năm. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều mặt đạt được, các tổ chức có quyền kiến nghị, đề nghị xây dựng pháp luật, pháp lệnh chủ yếu trong lĩnh vực phụ trách của mình, chưa thật sự chủ động và hiệu quả. Các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng và đầy đủ về trình tự để các tổ chức tham gia vào việc xây dựng pháp luật; chưa có cơ chế giải trình cụ thể và các bước xác định rõ trách nhiệm tiếp theo của cơ quan chủ trì trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh.

Vấn đề giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã được thể hiện trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 9-6-2015, tại chương V và VI của Luật; cần được hướng dẫn cụ thể hơn tại nghị định của Chính phủ.

Trong nhiều trường hợp, các tổ chức xã hội vẫn chưa thật sự nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia xây dựng pháp luật, mà chỉ dừng lại ở giai đoạn góp ý dự thảo và thực thi luật trên thực tế, chưa mạnh dạn phản biện điểm hạn chế của luật khi áp dụng thực tế.

Trên cơ sở đó, cần có thêm giải pháp nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội trong quá trình lập pháp:

Tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, cơ quan chủ trì soạn thảo và chính từ các tổ chức xã hội về vai trò tham gia xây dựng pháp luật. Xây dựng quy trình một cách công khai, minh bạch, tranh thủ tất cả các ý kiến của các tổ chức xã hội, đoàn viên, hội viên, thậm chí đó là những ý kiến trái chiều, ý kiến khác nhau để cùng thảo luận, bàn bạc đi đến thống nhất.

Hoàn thiện khung pháp lý cụ thể, chi tiết quy trình, mức độ tham gia, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia vào tất cả các giai đoạn của quá trình xây dựng pháp luật: Sáng kiến lập pháp; soạn thảo dự thảo văn bản; góp ý dự thảo văn bản;… Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong công tác phối hợp với các tổ chức xã hội để lấy ý kiến tham gia dự án luật. Quy định trách nhiệm chia sẻ thông tin, cung cấp thông tin của các cơ quan có thẩm quyền đối với các tổ chức xã hội trong việc soạn thảo các dự án luật.

Nâng cao vai trò giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật và chính sách của Nhà nước. Xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác giữa các tổ chức xã hội hoạt động trong cùng lĩnh vực, ngành nghề để có thể huy động được nguồn chất xám, năng lực,… để có thể thực hiện việc tư vấn, giám sát, phản biện có hiệu quả.

Đặng Văn Chánh

;
.
.
.
.
.