Chính trị - Xã hội

"Săn" lao động có tay nghề

07:26, 23/10/2015 (GMT+7)

Đã qua rồi thời doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm lao động. Hiện nay, tại Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp đặt ra yêu cầu cao hơn trong việc tuyển chọn và “săn” lao động có tay nghề với mức đãi ngộ cao.

Doanh nghiệp thích chọn lao động có tay nghề nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp thích chọn lao động có tay nghề nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh.

Chọn lao động có tay nghề

Tại nhiều phiên giao dịch việc làm gần đây do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức, số lượng lao động tham gia tuyển dụng khá nhiều nhưng số lao động được tuyển không lớn, do doanh nghiệp ngày càng đưa ra nhiều tiêu chí khắt khe hơn.

Chẳng hạn, trong phiên giao dịch việc làm diễn ra ngày 1-10 ở Sàn giao dịch việc làm số 2 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng, có 85 đơn vị đến để phỏng vấn trực tiếp. Nhu cầu đăng ký tuyển dụng khoảng hơn 1.000 lao động thì có gần 800 vị trí là lao động có tay nghề, trong khi lao động phổ thông chỉ khoảng một nửa, tức hơn 400 người.

Qua phiên giao dịch này, Trung tâm đã kết nối, giới thiệu việc làm cho hơn 200 lao động, trong đó lao động có tay nghề là 160 người, còn lại là lao động phổ thông. Trước đó, trong phiên giao dịch việc làm ngày 20-9 ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (số 278 Âu Cơ - Sàn giao dịch việc làm số 1), số lao động có tay nghề dễ dàng tìm được việc, nhưng lao động phổ thông rất khó được chọn.

Tại đây, có 72 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với số lượng lao động khá lớn (hơn 1.600 lao động). Kết quả phỏng vấn, sơ tuyển, chỉ có khoảng 135 lao động được giới thiệu thành công; lao động có tay nghề được tuyển là 108 người, chỉ có 27 lao động phổ thông được doanh nghiệp lựa chọn.

Chuẩn bị 2 bộ hồ sơ xin việc nhưng chị Nguyễn Hồng Nga (quê Quảng Nam, vừa tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tại một trường trên địa bàn Đà Nẵng) thở dài nói: “Nộp hồ sơ thế thôi chứ bữa nay doanh nghiệp nào cũng thử tay nghề, đồng thời yêu cầu có kinh nghiệm nhiều năm nên khó được chọn lắm”. Còn chị Lê Thị Hoa (cựu sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, quê ở Quảng Ngãi) thổ lộ, chị đã tốt nghiệp 3 năm rồi nhưng vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp.

“Khi học đại học, cứ nghĩ có tấm bằng cử nhân sẽ dễ xin việc. Lúc đó, mình thích học nghề may nhưng ba mẹ không cho, muốn mình phải vào đại học. Bây giờ, ra trường không xin được việc nên phụ bán shop quần áo ở gần chợ Đống Đa mỗi tháng được khoảng 2 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống và chờ xin việc”, chị Hoa cho biết.

Nâng cao tay nghề

“Trước đây, do nhu cầu nhiều mà nguồn cung chưa đáp ứng nên doanh nghiệp “thoáng” hơn trong việc tuyển lao động. Thậm chí, có nơi chỉ cần lao động tốt nghiệp phổ thông, vào làm sẽ được đưa đi đào tạo. Thế nhưng bây giờ, lượng lao động đã tương đối đủ và để đáp ứng yêu cầu trong tình hình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có yêu cầu cao hơn về tay nghề, kinh nghiệm cùng một số kỹ năng khác”, ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm, an toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng nói.

Qua các sàn giao dịch việc làm cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vẫn lớn do mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng số được tuyển chỉ vài trăm người.

Theo ông Ánh, lực lượng lao động đang có sự cạnh tranh gay gắt với đòi hỏi cao hơn về tay nghề. Do thực trạng hiện nay, “thầy” nhiều hơn “thợ”, nên có sự chênh nhau về cung, cầu lao động.

“Thị trường cần những thợ giỏi, thợ lành nghề, trong khi các cử nhân, thạc sĩ ra trường quá nhiều mà không đáp ứng yêu cầu”, ông Ánh nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Công ty TNHH kinh doanh tổng hợp Ân Điển cho biết: “Khi tuyển lao động có tay nghề thì doanh nghiệp được lợi nhiều thứ: vừa không tốn phí đào tạo, vừa đáp ứng việc nâng cao chất lượng, năng suất lao động, bảo đảm yêu cầu công việc”.

Bởi vậy, để “giữ chân” lao động, theo bà Liên, doanh nghiệp phải có chế độ đãi ngộ tốt, phần thưởng xứng đáng với những lao động đã làm việc lâu năm và có cống hiến cho đơn vị, đặc biệt là tạo được môi trường làm việc thân thiện, có khả năng thăng tiến. Bà Liên cho rằng, lao động hiện nay thiếu tác phong chuyên nghiệp trong làm việc và kỷ luật lao động chưa cao nên nếu hội nhập trong môi trường làm việc quốc tế sẽ phải khắc phục nhiều vấn đề, trong đó có 2 vấn đề trên.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.