Chính trị - Xã hội

Thực hiện nghiêm quy mô thiết kế quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh

10:29, 23/10/2015 (GMT+7)

Ngày 22-10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Trà Vinh, Gia Lai, Bắc Cạn.

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) nhận định về nhiệm vụ, giải pháp năm 2016 có 8 nội dung tuy đầy đủ nhưng không mới, đều là những việc đã triển khai, không có gì đột phá trong năm 2016 và 5 năm đến. Trong phương hướng, nhiệm vụ chưa thấy đặt vấn đề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp đến. Về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, ĐB Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng tiền còn dư nhưng làm không đầy đủ.

Chẳng hạn, quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam không đủ 4 làn xe, như vậy là chưa xong. ĐB đề nghị cần làm đúng quy mô thiết kế mà Nghị quyết Quốc hội đã ban hành. Trước hết, cần kiểm tra lại thiết kế cả tuyến quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, chỗ nào làm chưa đúng thiết kế phải làm lại, sau đó mới tính đến việc khác.

Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, báo cáo KT-XH của Chính phủ khá ấn tượng về sự mới mẻ, sâu sắc trong đánh giá, phân tích. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế sắc sảo, rõ ràng và có tính thuyết phục, nhận định khách quan, đầy đủ.

Tuy nhiên, ĐB cho rằng KT-XH nước ta vẫn còn khá nhiều vấn đề bức xúc mà báo cáo chưa nêu nhưng qua tiếp xúc cử tri nổi lên như giá cả tăng, việc giảm nghèo, tái nghèo, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, tệ nạn xã hội có nhiều bức xúc, công tác phòng chống tội phạm còn nhiều hạn chế, vấn đề tham nhũng lãng phí, những vụ án lớn chưa thấy đem ra xét xử.

ĐB đề nghị, ngoài 8 giải pháp mà Chính phủ nêu trong báo cáo, năm 2016 cần xây dựng và ổn định bộ máy Nhà nước đủ sức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và nghị quyết của Quốc hội; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đủ sức cạnh tranh; hạn chế thất thoát, lãng phí, thực hành tiết kiệm; đề nghị xây dựng thí điểm một số đặc khu kinh tế trên cơ sở 15 khu kinh tế mở hiện có trong cả nước để rút kinh nghiệm và từng bước mở rộng mô hình này.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đoàn Đà Nẵng) nhận định, năm 2015 nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn phục hồi sau một số năm trì trệ, niềm tin của thị trường được nâng lên, thể hiện rõ nét qua chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,1%, hệ thống ngân hàng thương mại được củng cố thông qua quá trình tái cơ cấu hiệu quả, nợ xấu giảm; giữ ổn định giá trị đồng tiền phù hợp với chính sách tỷ giá linh hoạt, lãi suất ổn định…

Tuy nhiên, ĐB Nam đề nghị làm rõ hơn một số nội dung như: Trong 8 tháng đầu năm CPI chỉ tăng 0,61% so với tháng 12 năm 2014, trong khi đó dự báo tăng 5% cho cả năm 2015; tình hình phát hành trái phiếu của Chính phủ nhằm bù đắp bội chi ngân sách, vay để đảo nợ Chính phủ trong năm 2015 và thực hiện các chương trình đầu tư hạ tầng theo Nghị quyết của Quốc hội; việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết, việc giảm giá dầu thô có ảnh hưởng thế nào đối với nguồn thu ngân sách. Báo cáo cũng chưa làm rõ tại sao nền kinh tế phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn nhưng trong 8 tháng đầu năm thu nội địa tăng 16,5%, cao gấp 2,5 lần mức tăng GDP; phải chăng có tình trạng tận thu làm ảnh hưởng đến tích lũy đầu tư của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước (thu cổ tức)…

ĐB Thân Đức Nam cơ bản đồng tình với các chỉ tiêu lớn về phát triển KT-XH năm 2016 như GDP tăng 6,7%, xuất khẩu tăng khoảng 10%, tổng đầu tư xã hội bằng 31% GDP… ĐB đề nghị Chính phủ cần nâng cao khả năng phân tích dự báo và hiệu quả phối hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô; tập trung chỉ đạo công cuộc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vì ở nội dung này hiện không tạo được những chuyển biến đáng kể.

Trung tướng Lê Văn Hoàng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị cần tập trung chỉ đạo công tác nắm tình hình; thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ chiến lược; tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn thế trận an ninh nhân dân; đầu tư xây dựng các công trình quân sự trên tuyến biên giới, hải đảo, chú trọng xây dựng các đảo gần bờ vững chắc, các công trình lưỡng dụng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, giải quyết kịp thời những vụ việc liên quan đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở; đẩy mạnh xây dựng các khu kinh tế quốc phòng và tham gia xóa đói giảm nghèo bền vững: Đầu tư xây dựng 22 khu kinh tế quốc phòng đúng theo quy hoạch, coi trọng bố trí sắp xếp dân cư tuyến biên giới ổn định cuộc sống, ưu tiên xây dựng 3 khu kinh tế quốc phòng ven biển và tuyến đảo gồm cụm đảo Đông Bắc ở Quảng Ninh, vùng duyên hải ở Quân khu 5 và vùng tứ giác Long Xuyên.

Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đều quy định, hằng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc để bảo đảm trả đủ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, nhưng lâu nay chúng ta không thực hiện đúng quy định này.

Do đó, ĐB đề nghị từ năm 2016 trở đi, phải thực hiện nghiêm túc quy định này của luật. ĐB đề nghị giải thích rõ đâu là ngưỡng an toàn của nợ công; vì nợ công luôn tăng dần qua các năm, cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI nợ công khoảng 48% được coi là an toàn vì dưới 50%, đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII nợ công khoảng hơn 57% được coi là trong ngưỡng an toàn, đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII nợ công đến 61,3% vẫn trong ngưỡng an toàn…

PHẠM HỮU HOA

.