.

Bất cập thiết chế văn hóa xã, phường

.

 Bài 1: Đồng loạt “thay áo mới”

Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, gần 30 công trình trung tâm văn hóa-thể thao (VHTT), khu vui chơi giải trí (KVCGT) cấp xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã và đang được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới.

Trẻ thích thú với các thiết bị vui chơi mới tại khu vui chơi giải trí ở phường An Hải Đông (quận Sơn Trà).
Trẻ thích thú với các thiết bị vui chơi mới tại khu vui chơi giải trí ở phường An Hải Đông (quận Sơn Trà).

Đây là con số khá ấn tượng thể hiện quyết tâm chăm lo đời sống văn hóa cơ sở của lãnh đạo thành phố và các cấp, ngành liên quan. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đặt ra xung quanh việc quản lý, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa xã, phường.

Thêm không gian vui chơi cho trẻ

Có mặt tại KVCGT phường An Hải Đông (quận Sơn Trà) khoảng 17-18 giờ vào một ngày cuối tháng 10, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của quang cảnh nơi đây. Bãi đất trống, lởm chởm đủ thứ cây cỏ ngày trước đã được thay thế bằng gạch lát nền sạch sẽ, bên trên là những thiết bị vui chơi đầy màu sắc, được gắn kiên cố: bập bênh, đu quay, máng trượt... và đèn điện sáng chói. Những nụ cười hớn hở vì được vui chơi, nô đùa của trẻ thơ đủ sưởi ấm cả không gian chiều thu muộn.

Nhìn lũ trẻ say sưa với các trò chơi, anh Võ Nguyên Hồng, cán bộ văn hóa phụ trách trông coi, tổ chức hoạt động nhà văn hóa phường và KVCGT chia sẻ rằng, từ khi khu vui chơi này được đầu tư, anh nhận thấy công việc của mình thêm ý nghĩa, thêm niềm vui. Anh Hồng cho biết, trước đây, trẻ em trên địa bàn phường thường chỉ biết chơi đá bóng hay một số trò chơi tự phát, tản mác trong các khu dân cư. “Nay có khu vui chơi như thế này, các em vừa được “đổi món” miễn phí, vừa an toàn”, anh Hồng nói.

KVCGT phường An Hải Đông được đặt trong khuôn viên nhà văn hóa phường, một trong 6 công trình trung tâm VHTT cấp phường được chuyển đổi công năng, đầu tư nâng cấp vừa hoàn thành, bàn giao. Ngoài KVCGT phường An Hải Đông, 5 trung tâm VHTT phường được chuyển đổi công năng từ KVCGT, vừa được bàn giao, đưa vào sử dụng gồm: Chính Gián, Xuân Hà, Hòa Khê, An Khê (quận Thanh Khê) và Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Trước đó, 6 KVCGT tại các phường Thanh Bình, Thuận Phước, Hòa Thuận Tây, Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đã hoàn thành đúng tiến độ từ tháng 6 và 7-2015.

Vẫn chưa đủ

Không ai phủ nhận thực tế về những đổi thay tích cực từ việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp xây mới hàng loạt thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, so với yêu cầu thực tế, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tham gia tập thể dục đều đặn vào mỗi chiều tại KVCGT phường Hòa Cường Bắc, một trong những công trình được cải tạo, nâng cấp đầu tiên trên địa bàn thành phố, ông Ngô Thụy Huế - tổ trưởng tổ dân phố 88 nhận thấy thời gian gần đây, tại KVCGT này bắt đầu có hiện tượng tranh giành giữa các trẻ em trong việc sử dụng các thiết bị vui chơi, nhất là vào giờ cao điểm. “Phần vì thiết bị vui chơi không đủ, phần vì một số thiết bị bắt đầu có hiện tượng hỏng hóc, xộc xệch nên các bé có xu hướng giành những thiết bị còn mới để chơi”, ông Huế nhận định.

Ghi nhận tại hầu hết các KVCGT cũ và mới trên địa bàn thành phố, đặc biệt là tại các địa phương vùng ven, có thể thấy các sân vui chơi, giải trí - thể thao từ các thiết chế công đưa lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Ngay các công trình vừa được đầu tư, nâng cấp, đưa vào sử dụng đều được đặt ngoài trời (không có mái che) nên những ngày mưa, thời điểm nắng nóng gay gắt hay những ngày nghỉ... thì các em nhỏ muốn ra chơi lắm nhưng cũng đành chịu. Chưa kể, các thiết bị vui chơi dù chất lượng đến mấy cũng khó chống chọi lâu dài trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung, nếu không được che chắn, bảo vệ đúng cách, kịp thời.

“Theo cam kết, đơn vị cung cấp sẽ bảo trì vĩnh viễn các thiết bị vui chơi nhưng chúng tôi vẫn không khỏi lo lắng trong mùa mưa này. Hỏng rồi sửa miết cũng phiền lắm chứ. Việc thụ hưởng của người dân theo đó cũng bị gián đoạn và nhiều vấn đề có thể nảy sinh cần được tính toán, chứ không thể cứ cậy lời hứa “bảo trì vĩnh viễn” của họ mà phó mặc”, ông Đặng Ngọc Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông lo lắng.

Bên cạnh KVCGT, tại các nhà văn hóa, trung tâm VHTT đã và đang được “khoác áo mới” mỗi ngày, sự mới mẻ chỉ diễn ra ở bề mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị, còn việc tổ chức các hoạt động bên trong thì hầu hết vẫn “giậm chân tại chỗ”. Thực tế đặt ra đòi hỏi về những hoạt động có chiều sâu, đều đặn có khả năng tạo chuyển biến thực sự trong đời sống văn hóa cơ sở, một cán bộ văn hóa trên địa bàn quận Thanh Khê (giấu tên) nêu ý kiến.

Yêu cầu cấp bách về công tác quản lý, vận hành

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, ngoài 12 công trình khu vui chơi giải trí (KVCGT) và trung tâm văn hóa-thể thao (VHTT) vừa được hoàn thiện, bàn giao sử dụng, hiện việc xây dựng trung tâm VHTT tại 9 phường, xã: Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ); An Hải Bắc, Thọ Quang (quận Sơn Trà); Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn); Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Bắc và Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Cải tạo, nâng cấp 5 nhà văn hóa phường thuộc quận Hải Châu gồm: Thuận Phước, Bình Hiên, Bình Thuận, Phước Ninh, Hải Châu 2 đang thực hiện theo tiến độ, sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015.

Sở VH-TT&DL đang kiến nghị UBND thành phố cho chủ trương đầu tư 8 nhà văn hóa đa năng (trong nhà) tại các trung tâm VHTT đã được đầu tư trong năm 2015 để bảo đảm hoạt động. Sở đang lập thủ tục trình UBND thành phố xem xét đầu tư 8 nhà văn hóa đa năng trong năm 2016, bao gồm: nhà văn hóa các phường Vĩnh Trung, An Khê (quận Thanh Khê), Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), An Hải Bắc (quận Sơn Trà) và Bình Thuận (quận Hải Châu).

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, từ năm 2016-2020, mỗi năm sẽ đầu tư hoàn thiện 8 trung tâm VHTT xã, phường, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn thành phố. Như vậy, về cơ bản, trong 5 năm tới, tất cả phường, xã trên địa bàn Đà Nẵng có thiết chế văn hóa. Theo ông Chiến, điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách về công tác quản lý, vận hành, bảo quản và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa này nhằm phát huy tối đa công năng sử dụng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.