.

Cảm hóa người nghiện

.

Cảm hóa, giúp đỡ thanh-thiếu niên hư đã khó, cảm hóa người nghiện lại càng khó hơn. Thế nhưng, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố Đà Nẵng, các địa phương, ngành, đoàn thể đang nỗ lực để đưa các em trở về con đường hướng thiện.

Học viên học nghề tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 Đà Nẵng.
Học viên học nghề tại Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 Đà Nẵng.

Đối thoại

Một buổi chiều cuối tháng 10, 40 thanh-thiếu niên “đầu xanh, đầu đỏ”, tay và ngực đầy hình xăm nhưng bước đi thì rất nghiêm chỉnh vào ngồi trật tự tại hội trường UBND quận Cẩm Lệ để nghe lãnh đạo quận nói chuyện. Đây là 40 thanh-thiếu niên vừa bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc là người đang cai nghiện tại gia đình-cộng đồng, quản lý giáo dục tại địa phương và đang quản lý sau cai tại nơi cư trú. Chủ tịch UBND quận Lê Văn Sơn mở đầu buổi đối thoại bằng câu chuyện vui, thân tình như lời của người anh nói với em, người chú nói với cháu.

“Ai trên đời cũng có đôi lần mắc lỗi, có sai lầm. Điều quan trọng là mình biết nhận ra sai lầm và tìm phương hướng giải quyết bằng việc từ bỏ, đoạn tuyệt với ma túy, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội…” - ông Sơn nói.

“Tụi cháu trước giờ ham chơi, bỏ học và vướng phải ma túy. Bạn bè, hàng xóm đều xa lánh, gọi tụi cháu là mấy “thằng nghiện”. Đâu có nghĩ lại được gặp lãnh đạo địa phương như thế này. Giờ tự thấy phải cố gắng hơn từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời” -  em N.T.A (ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) xúc động nói.

Được lãnh đạo địa phương gợi mở, các bạn đã thổ lộ hết tâm tư, nguyên do dẫn đến sa vào ma túy là vì bạn bè rủ rê, lôi kéo, chưa nhận thức về tác hại, hậu quả của việc sử dụng ma túy; không có nghề nghiệp, việc làm ổn định. Những thanh-thiếu niên nghiện cũng đã bày tỏ mong muốn được hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ nguồn vốn để làm ăn…

Tại buổi gặp mặt, chính quyền địa phương đề nghị các em viết cam kết không tái nghiện và nếu tiếp tục tái phạm, các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, địa phương sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ các em trong cuộc sống và việc làm, tránh xa ma túy. Đối với việc hỗ trợ dạy nghề cho các em, lãnh đạo quận sẽ trao đổi và trực tiếp nộp kinh phí học nghề cho các cơ sở dạy nghề. Đối với các em được hỗ trợ vay vốn nhưng sử dụng không đúng mục đích, lãnh đạo quận sẽ có biện pháp thu hồi vốn vay.

Không chỉ có quận Cẩm Lệ, mới đây, quận Hải Châu cũng tổ chức gặp mặt, đối thoại và giúp đỡ, tạo việc làm cho thanh niên nghiện ma túy. Riêng Hội LHPN quận Hải Châu còn tổ chức tọa đàm “Ma túy và vấn đề giáo dục trẻ vị thành niên trong giai đoạn hiện nay” nhằm nâng cao vai trò của gia đình và cộng đồng trong việc chung tay giúp đỡ, hỗ trợ con em mình thoát khỏi ma túy, trở về cuộc sống đời thường.

Không dễ!

Hội Cựu chiến binh thành phố là một trong những đơn vị nhận 40 thanh-thiếu niên dương tính với ma túy để cảm hóa, giáo dục. Đây cũng là đơn vị đã từng có thành tích và nhiều kinh nghiệm trong việc cảm hóa, giáo dục thanh-thiếu niên hư, tuy nhiên khi đảm nhận trọng trách mới, lãnh đạo Hội cũng xác định đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng.

“Tiếp cận các cháu thiếu niên hư dễ hơn nhiều như thủ thỉ tâm tình, gọi đi uống cà-phê, chở đi học… Còn với các đối tượng nghiện, nhất là một số đối tượng không còn trẻ thì không dễ, bởi họ rất ngại tiếp xúc và có thể lên cơn bất cứ lúc nào” - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh ở một phường trên địa bàn quận Hải Châu (xin được giấu tên) thổ lộ.

Đại diện lãnh đạo Hội Cựu chiến binh thành phố cho biết, dù khó khăn nhưng các cấp Hội vẫn nỗ lực và bằng nhiều biện pháp để giúp các thanh-thiếu niên nghiện ma túy. Sau nhiều tháng hỗ trợ, giúp đỡ, hiện đã có 35/40 cháu có kết quả âm tính với ma túy, 5 cháu còn lại chuyển sang đơn vị khác để có những biện pháp giúp đỡ phù hợp.

Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cũng đang đảm nhận giúp đỡ 30 thanh-thiếu niên nghiện ma túy. “Việc giúp đỡ các đối tượng nghiện khó hơn nhiều so với những đối tượng khác, bởi nhiều lúc tinh thần họ không ổn định, dễ lên cơn nghiện. Bởi vậy, phải dùng lỡi lẽ mềm mỏng, dùng tình cảm thì nói họ mới nghe” - chị Hoàng Việt Nga, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Xuân Hòa A1 thuộc phường Thanh Khê Đông cho biết. Theo chị Nga, để giúp đỡ người nghiện trước hết phải bắt đầu từ gia đình của họ và chính sự phối hợp cùng với gia đình mới có thể mang lại kết quả tốt.

Tháng 6-2015, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã gặp gỡ 100 thanh-thiếu niên nghiện ma túy, đồng thời giao cho Thành Đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ cùng với Công an TP, Sở LĐ-TB&XH tổ chức cảm hóa, giáo dục số đối tượng này. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng quyết định phân bổ 1 tỷ đồng để các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ, giúp các em thực hiện nguyện vọng của mình.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.