Với quỹ đất dành cho địa táng ngày một hạn hẹp, thì hỏa táng người qua đời là việc làm cần thiết. Song, thời gian qua, hình thức này chưa được người dân quan tâm.
Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về hỏa táng. Trong ảnh: Người dân nghiên cứu phương thức hỏa táng thông qua tờ rơi. |
Tại Hội nghị tuyên truyền hỏa táng cho các khu dân cư thực hiện mô hình “Khu dân cư thân thiện môi trường”, do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức ngày 3-11, nhiều ý kiến cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền.
Một năm ở Đà Nẵng bằng 7 ngày ở TP. Hồ Chí Minh
Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho hay, những năm gần đây ở Việt Nam, do nhu cầu bảo vệ môi trường và dân số gia tăng nhanh chóng, đất dành cho địa táng ngày càng khó khăn, giá cả lại đắt đỏ nên chính quyền khuyến khích người dân chuyển sang hình thức hỏa táng. Ngoài hai thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã phát triển hình thức này từ những năm 80 của thế kỷ trước, các tỉnh, thành như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… cũng đang theo xu hướng đó.
Riêng ở Đà Nẵng, năm 2008, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng Trung tâm hỏa táng An Phước Viên tại nghĩa trang Hòa Sơn. Tuy nhiên, qua 6 năm hoạt động, số ca hỏa táng chỉ ở con số khiêm tốn: 519 ca. Để tiếp tục hoạt động, đơn vị này phải bù lỗ một năm 2 tỷ đồng. “Số ca hỏa táng bình quân trong một năm của Đà Nẵng chỉ tương đương với số ca hỏa táng của Hà Nội 15 ngày, Hải Phòng 1 tháng, TP. Hồ Chí Minh 7 ngày”, ông Hoàng cho biết.
Theo ông Hoàng, số hỏa táng còn khiêm tốn là do phong tục địa táng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Đà Nẵng. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền chưa được chú trọng đúng mức, hệ thống chính trị chưa vào cuộc. Trong khi đó, theo Đại đức Thích Chúc Tín, Chánh Văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng, rào cản lớn nhất chính là quan niệm của người dân bao đời nay, cho rằng hỏa táng không tốt, không còn được nguyên vẹn thân xác, vong linh không về được với con cháu. Có người cho rằng chết mà hỏa táng sẽ rất nóng và sinh ra tâm lý sợ hãi, nên nhắn nhủ với con cháu là phải chôn chứ đừng thiêu...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Bà Huỳnh Thị Liễu Hoa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố trăn trở: Địa táng đã đặt ra nhiều bài toán nan giải về vấn đề đất đai và môi trường. Để giải quyết vấn đề này, việc lựa chọn hình thức hỏa táng là phương thức tối ưu, không chỉ giải quyết được vấn đề đất đai mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Nhận thức được tầm quan trọng của việc hỏa táng, năm 2008, UBND thành phố đã ban hành đề án xây dựng “Đà Nẵng – thành phố môi trường”, với mục tiêu “50% người qua đời được mai táng bằng hình thức hỏa táng”, tuy nhiên, đến năm 2015 thì hình thức này mới chỉ đạt khoảng 5%.
Để người dân thành phố quen dần với hình thức hỏa táng, ông Thái Đình Hoàng đề xuất, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân hiểu được hỏa táng là thực hiện nếp sống văn minh trong xã hội phát triển và góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm quỹ đất dành cho phát triển sản xuất. “Hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đang thực hiện cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, vì vậy, thông qua cuộc vận động này chúng ta có thể lồng ghép phát động “Toàn dân thực hiện tang văn minh tiến bộ” để góp phần nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để chuyển dần hình thức địa táng sang hỏa táng”, ông Hoàng nói.
Gần đây, xét thấy lợi ích của việc hỏa táng, nhiều cán bộ hưu trí, nhân dân trực tiếp đến Trung tâm An Phước Viên tìm hiểu quy trình hỏa táng. Điển hình như Tộc họ Đặng (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) đã chọn hình thức hỏa táng thay cho địa táng các phần mộ nằm trong các dự án phải di dời, phần tro cốt được đưa về nhà thờ tộc chăm sóc. Việc làm của Tộc họ Đặng tạo điều kiện cho con cháu gần gũi với ông bà, tổ tiên mỗi khi giỗ chạp, ngày tảo mộ không phải đi xa; đồng thời không phải tốn nhiều kinh phí cho việc xây mộ…
“Để thay đổi phương thức an táng từ địa táng sang hỏa táng, thành phố Đà Nẵng có chủ trương miễn giảm 100% không thời hạn cho người có công với cách mạng, đối tượng hộ nghèo; miễn 100% có thời hạn đối với công dân có hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng cho đến năm 2017”, ông Thái Đình Hoàng cho biết. |
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ