.

"Chính phủ sẽ có lộ trình khoán xe công cho các chức danh"

.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Việc khoán xe công đã được bàn đến nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên nội dung này được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách được thông qua vào sáng ngày 11-11.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đặt trong bối cảnh ngân sách khó khăn, cần tiết giảm những khoản chi không cần thiết và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước thì việc khoán xe công có ý nghĩa lớn để góp phần sử dụng nguồn ngân sách hợp lý.

- Xin ông cho biết cụ thể hơn về nội dung khoán xe công cho một số chức danh được đưa ra trong Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 mà Quốc hội vừa thông qua?

Ông Phùng Quốc Hiển: Việc khoán xe công đã được bàn đến nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên Quốc hội đưa vào Nghị quyết. Tuy nhiên, do phải rất thận trọng tính toán kỹ nên đã đưa vào một câu trong Nghị quyết là “từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh”. Như vậy, chúng ta phải có lộ trình thực hiện.

Theo tôi, cần phải loại ra các xe công mang tính chất phục vụ công cộng như công an, quân đội, cứu thương… không thể thực hiện khoán được vì mang tính chất phục vụ cho cộng đồng dân cư.

Trong một tỉnh chỉ có 3 chức danh, một Bộ chỉ có một số thứ trưởng, một số tổng cục trưởng loại 1 mới được đi xe, còn lại các đối tượng khác không nhiều. Hơn nữa, chi phí xe công chủ yếu là ở chi phục vụ, còn theo chức danh thì không nhiều lắm. Tuy nhiên, việc thực hiện khoán là để các đồng chí lãnh đạo góp phần vào việc thực hành tiết kiệm, là tấm gương cho chúng ta tổ chức tốt tiết kiệm chi phí, góp phần sử dụng nguồn ngân sách hợp lý.

- Việc khoán xe công đã được bàn đến từ lâu nhưng theo ông Chính phủ có quyết liệt thực hiện vấn đề này không, thưa ông?

Ông Phùng Quốc Hiển: Tất nhiên sẽ phải có sự giám sát của Quốc hội và Chính phủ sẽ thực hiện vì bản thân Chính phủ đã có đề án này. Dù đã bàn chuyện khoán xe công nhiều lần nhưng khi Quốc hội đưa nội dung này vào Nghị quyết thì chắc chắn Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện. Đặc biệt, trong thời gian này Chính phủ cũng như Quốc hội đã xác định phải cơ cấu lại thu chi, nhất là khi chi thường xuyên vừa qua tăng nhanh.

- Hiện nay, các phương tiện đi lại của chúng ta rất sẵn như xe bus, taxi…. Nhưng khi nói khoán xe công, rất ít người xung phong thực hiện, theo ông lý do là vì sao?

Ông Phùng Quốc Hiển: Chúng ta phải hiểu câu chuyện vì sao cần có xe công. Có những chức danh mà khi làm việc yêu cầu phải có xe. Một là do khối lượng công việc cần sử dụng, hai là vì an toàn. Số lượng người có chức danh cần sử dụng xe công không nhiều, nhưng nếu quy định đồng loạt thành chính sách chung thì đương nhiên mọi người sẽ phải thực hiện.

Còn bây giờ, nếu để tự xung phong thì sẽ có chuyện như cùng là Thứ trưởng, nhưng có người đi xe công, có người đi xe ôm hoặc taxi… về cảm quan sẽ không được đẹp mắt. Còn nếu là đồng loạt áp dụng, thì sẽ không còn sự khác biệt gì. Vì vậy, chúng ta nên đưa quy định tiêu chuẩn áp dụng, đã khoán là như nhau theo luật pháp.

- Có ý kiến cho rằng nên đóng băng bộ máy trong vòng 3 năm, để giảm biên chế, giảm chi thường xuyên, quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Phùng Quốc Hiển: Đó là một đề xuất, các đại biểu đề xuất nhiều vấn đề như bội chi ngân sách bằng mức tuyệt đối như 2016 là 254.000 tỷ đồng, ổn định trong một số năm. Tức là GDP vẫn tăng, nhưng bội chi ổn định, theo đó tỷ lệ sẽ giảm. Hai là chi thường xuyên giữ mặt bằng như 2015-2016, không tăng nữa, như vậy tỷ lệ chi sẽ giảm. Ba là, có đại biểu đề nghị, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải giảm chi liên quan đến lương và biên chế.

Ý đại biểu là giữ biên chế để sắp xếp lại nhưng thực ra chúng ta đã làm rồi, biên chế sẽ không tăng thêm. Cứ hai người nghỉ hưu thì mới bổ sung một người. Nếu kiên trì thực hiện, thì biên chế của chúng ta sẽ hợp lý, kể cả khu vực công chức, viên chức. Sau này, một số lĩnh vực dịch vụ chuyển sang giá dịch vụ, tức là tự cân đối bằng nguồn xã hội hóa thì cũng giảm cho bộ máy viên chức.

- Vậy, Quốc hội có quyết định giảm chi thường xuyên xuống trong những năm tới nữa không, thưa ông?

Ông Phùng Quốc Hiển: Thực ra đó là chính sách tài kh​óa, đấy là một lộ trình cương quyết. Nhưng chính sách tài kh​óa phải đảm bảo yêu cầu, là các khoản chi phát sinh mới phải đảm bảo cân đối được nguồn. Có nghĩa là, trước đây nhiều khi do nhu cầu, đề xuất ra nhưng nguồn không có. Lần này, làm như vậy tức là chúng ta sẽ đảm bảo cân đối được thu chi.

Còn chuyện dừng chi thường xuyên, phải hiểu rằng còn phải đảm bảo yếu tố an sinh xã hội, trả nợ, ví dụ như giảm nghèo đa chiều, rõ ràng đang nâng lên, tức là hỗ trợ tăng lên, khoảng 14.000-15.000 tỷ đồng, làm chi thường xuyên tăng, nhưng đó là việc phải làm.

Hay hỗ trợ người có công, tầm hơn 300.000 hộ, cần được hỗ trợ về nhà cửa…. cũng làm chi thường xuyên tăng. Nhưng phải đặt nguyên tắc là, thể hiện rất rõ trong luật ngân sách nhà nước, chi theo nhu cầu thực tế phát sinh, nhưng phải đảm bảo có nguồn bù đắp thì mới được quyết định, đó là nguyên tắc xuyên suốt.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Vietnam+

;
.
.
.
.
.