Theo nghị quyết về nội quy kỳ họp (sửa đổi) thông qua sáng 24-11, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao phải tuyên thệ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
Nội dung này cụ thể hóa quy định Hiến pháp 2013. Theo đó, Chủ tịch nước với tư cách là Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước và 3 chức danh đại diện cho các khối cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp nói trên ngay sau khi được bầu phải thực hiện việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã cho bổ sung một điều mới quy định về việc người tuyên thệ quyết định nội dung phù hợp với trách nhiệm được giao. Các chức danh này phải đứng tuyên thệ trước Quốc kỳ, thời gian không quá 3 phút.
Nội quy kỳ họp sửa đổi cũng có nhiều quy định để đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội như dự họp đầy đủ. Cụ thể, Quốc hội thống nhất quy định, khi không thể tham dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại kỳ họp từ 3 ngày làm việc liên tục trở lên vì lý do chính đáng thì đại biểu phải báo cáo xin phép Chủ tịch Quốc hội.
Trong trường hợp đại biểu phải tham gia các hoạt động như thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua hoặc thực hiện nhiệm vụ khác mà không thể tham gia phiên họp toàn thể, họp tổ hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội thì chỉ cần báo cáo Trưởng đoàn hoặc Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Về nghị quy định công dân được dự thính tất cả các phiên họp công khai của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội lần này được sửa đổi theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vào tham quan nhà Quốc hội, dự thính các phiên họp công khai.
Việc công dân được vào dự thính tại các kỳ họp Quốc hội là một việc làm mới đối với Quốc hội Việt Nam, nên cần thực hiện và rút kinh nghiệm để có điều chỉnh cho phù hợp. Vì vậy, dự thảo nội quy quy định giao Tổng thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp của Quốc hội.
Với đề nghị cần tăng tính tranh luận, hạn chế tham luận trong các phiên họp toàn thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ chỉ đạo việc bố trí cách thức để đại biểu Quốc hội đăng ký tranh luận trực tiếp khi thảo luận.
Về việc biểu quyết tại phiên họp toàn thể, báo cáo tiếp thu giải trình không đề cập đến đề nghị công khai danh tính khi biểu quyết của nhiều đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ giải trình, Luật Tổ chức Quốc hội quy định có hai hình thức biểu quyết là biểu quyết công khai và bỏ phiếu kín.
"Thực tế hiện nay, ngoài hình thức giơ tay và bỏ phiếu kín, Quốc hội đang thực hiện hình thức biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Đây là một hình thức biểu quyết phù hợp với đặc điểm hoạt động của Quốc hội nước ta, được áp dụng thực tiễn trong nhiều nhiệm kỳ qua", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.
Nội quy này có hiệu lực từ 1-1-2016.
Theo Zing