Chính trị - Xã hội

Có quan chức tham nhũng "chạy chuyến tàu vét" trước khi về hưu?

14:16, 17/11/2015 (GMT+7)

Tình trạng một số quan chức “tăng cường” tham nhũng, vơ vét khi sắp hết nhiệm kỳ là nội dung chất vấn được đại biểu gửi tới Tổng Thanh Tra Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến

Tại phiên chất vấn sáng 17-11, Đại biểu Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội cho biết, tại các phiên họp chất vấn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu đã cảnh báo về một số quan chức nhà nước thường tăng cấp tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ, bình minh nguyên lão”.

“Thưa Tổng Thanh tra Chính phủ, hiện nay là thời điểm rất nhạy cảm, thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Xin Tổng Thanh tra cho biết trách nhiệm cá nhân và những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chặn đứng việc quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh”, gia tăng các hành vi vi phạm, hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình, bất động sản của công thành bất động sản tư và đề bạt bổ nhiệm không bình thường vào lúc “xế chiều” đưa hàng loạt cán bộ, công chức thân hữu vào bộ máy công quyền vì mục đích vụ lợi mà công luận lên án trong thời gian qua”, ông Tiến đặt vấn đề.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, thời gian vừa qua thực tiễn có xảy ra một số vi phạm
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, thời gian vừa qua thực tiễn có xảy ra một số vi phạm

Giải đáp những băn khoăn của đại biểu Lê Như Tiến, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng câu hỏi trên là chính đáng. Thời gian vừa qua thực tiễn có xảy ra một số vi phạm trong trường hợp đó.

Theo ông Huỳnh Phong Tranh, Báo cáo của Chính phủ về công tác năm 2015 và 2016 nêu rõ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng.

Trong chỉ đạo thường xuyên về công tác phòng, tham nhũng nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu để kiểm soát, giám sát, ngăn ngừa. Cùng với đó là phát huy vai trò tổ chức Đảng, đoàn thể và cán bộ công chức, viên chức trong giám sát thường xuyên việc thực hiện các giải pháp, tố giác đến các cơ quan thẩm quyền khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, ngành Thanh tra sẽ tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.

“Qua kênh thông tin từ dư luận, thư tố giác, tố cáo, báo chí, nếu xuất hiện dấu hiệu vi phạm, trong đó có tham nhũng thì ngành Thanh tra sẽ thanh tra đột xuất. Vấn đề đại biểu nêu thì cá nhân tôi và ngành sẽ lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới”, Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng cần phải xem xét lại việc xử lý tin báo tố giác tội phạm để tránh bỏ lọt tội phạm. Ông Nghĩa dẫn chứng nhiều vụ việc vay mượn tiền của người dân không trả, đã được ông phản ánh tại kỳ họp thứ 9 nhưng VKSND không xử lý.

“Đại biểu Quốc hội đem cả tin tố giác tội phạm đến nghị trường QH mà cũng không được giải quyết thì sao mà dân an tâm được”- ông Nghĩa phản ánh.

Đại biểu đề nghị không vay tiền, nhận viện trợ từ Trung Quốc

Phát biểu tại phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho hay, cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc.

Ông Nghĩa phân tích, kinh tế Việt Nam đang có xu hướng ngày một phụ thuộc sâu vào kinh tế Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực, đe dọa “chủ quyền kinh tế”.

Vị đại biểu cho hay, “cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này!”.

“Vay và nhận viện trợ từ Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không?”, vị đại biểu băn khoăn. “Nếu trưng cầu ý dân, tôi tin đa số nhân dân sẽ không đồng ý” vì vẫn còn nhiều nguồn cho vay khác.

Trước đó, vào đầu tháng này, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố viện trợ 1 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm cho Việt Nam, bổ sung khoản vay ưu đãi 250 triệu USD cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Theo VOV/Dân trí

.