Chính trị - Xã hội

Tập trung xử lý người bán hàng rong

07:34, 17/11/2015 (GMT+7)

Thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, quận Thanh Khê triển khai nhiều kế hoạch nhằm hiện thực hóa chủ trương của thành phố, trong đó có việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng lang thang, bán hàng rong và ăn xin biến tướng.

Cần mạnh tay với tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách và bán hàng rong, ăn xin biến tướng.
Cần mạnh tay với tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách và bán hàng rong, ăn xin biến tướng.

Đầu tháng 11, thực hiện Tháng hành động cao điểm “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, UBND quận giao Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội làm cơ quan thường trực về kiểm tra, ngăn chặn, xử lý người lang thang xin ăn, bán hàng rong, đeo bám chèo kéo khách trên địa bàn quận.

Bực bội, phản cảm

Quận Thanh Khê có nhiều tuyến đường chuyên kinh doanh các loại dịch vụ ăn uống, giải trí phục vụ người dân địa phương và khách du lịch đông khách như: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Tri  Phương, Bế Văn Đàn, Hà Huy Tập, khu vực bờ hồ Thạc Gián-Vĩnh Trung... Mặt trái ở đây là phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến văn minh đô thị, trong đó tình trạng bán hàng rong, chèo kéo đu bám khách, ăn xin biến tướng khá phổ biến.

Chị Nga, chủ quán nhậu bình dân trên đường Tô Ngọc Vân, khu vực bờ hồ Thạc Gián, chia sẻ: “Chúng tôi không thể cấm họ bước vào quán được, nhưng rõ ràng phần lớn khách hàng không thích việc bán hàng rong ăn xin biến tướng, vì cảm thấy bị làm phiền, ép buộc, can thiệp, phá vỡ không gian riêng tư”.

Trên thực tế, hình ảnh những người bán hàng rong thường xuyên chèo kéo, nài nỉ khách hàng mua những sản phẩm khiến không ít người khó chịu.

“Tôi rất chia sẻ với họ, rằng đó là vì mưu sinh, nhưng trong giao dịch thương mại, nếu bạn cảm thấy hài lòng, có nhu cầu thì sẵn sàng mua. Ở đây, thái độ nài nỉ của những người bán hàng rong vô tình đã làm họ trở nên xấu đi trong mắt mọi người, vô tình làm mất đi sự cảm thông, chia sẻ mà thay vào đó là cảm giác bị làm phiền, bị ép buộc”, anh Trần Văn Quốc, trú phường Xuân Hà cho biết.

Tình trạng buôn bán hàng rong, hát dạo trở nên phổ biến tại nhiều thành phố lớn, nở rộ tại Đà Nẵng trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên với thái độ tiếp cận, cách thức bán hàng của nhiều đối tượng không phù hợp đã vô tình tạo nên những hình ảnh hết sức phản cảm, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, buôn bán văn minh của thành phố; đồng thời, khiến cuộc mưu sinh chân chính của những người nghèo càng trở nên khó khăn khi luôn nhận được những ánh mắt dè chừng, xua đuổi.

Mới đây nhất, Công an quận Thanh Khê đã tiến hành bắt giữ hai đối tượng bán kẹo kéo trên đường Nguyễn Tất Thành vì hành vi cố ý gây thương tích. Chỉ vì nài nỉ mua kẹo kéo quá nhiều, một thực khách không chịu nổi đã phản ứng và lập tức đã có xô xát xảy ra.

Cần phối hợp trong kiểm tra, xử lý

Theo ông Lê Hữu Nhơn, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Thanh Khê, kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đến nay, địa phương đã thực hiện nhiều kế hoạch, hoạt động nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng lang thang, bán hàng rong biến tướng. Tuy nhiên, theo ông Nhơn, việc này dù thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức chế tài, xử lý thì vẫn không thể giải quyết dứt điểm được.

“Hiện nay hành vi hát rong bán kẹo kéo là tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất vì ồn ào, mất trật tự. Chúng tôi đã tiếp nhận trường hợp một khách hàng bị đánh vì có thái độ phản ứng khi bị làm phiền. Chưa kể, với mức xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng hiện nay, các đối tượng này nếu có vi phạm thì cũng “bỏ của chạy lấy người”, ông Nhơn nói.

Được biết, thời gian qua, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận tiến hành thu gom 16 đối tượng người lang thang xin ăn về Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố; xử phạt hành chính 57 trường hợp dùng loa phóng thanh bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách, cảnh cáo 33 trường hợp chèo kéo, ép khách. Bên cạnh đó, ngành chức năng còn vận động, chuyển đổi ngành nghề cho 11 người chuyên bán hàng rong bằng hình thức hỗ trợ vốn, trao sinh kế.

“Trong tháng cao điểm này, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng bán hàng rong, lang thang, ăn xin biến tướng, đặc biệt là các khu vực trọng điểm như đường Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Tri Phương, Hà Huy Tập… Tuy nhiên, để kế hoạch triển khai hiệu quả, cần sự phối hợp của các ngành, các địa phương khác, bởi hiện nay có tình trạng nếu quận Thanh Khê đẩy đuổi mạnh thì những đối tượng lang thang, ăn xin biến tướng, chèo kéo khách lại “dạt” sang các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và ngược lại”, ông Nhơn cho biết thêm.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

.