Chính trị - Xã hội
Cảnh báo đại dương ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng
Ngày 17-11, Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 tiếp tục diễn ra phiên toàn thể hội nghị, hội thảo quốc tế, do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Chu Phạm Ngọc Hiển chủ trì, đồng thời là diễn giả chính.
Tham dự hội nghị có các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo quản lý tổng hợp vùng bờ của các quốc gia Biển Đông Á.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. |
Nhiều tác động con người ảnh hưởng đến đại dương
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, đại dương đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng do chất thải từ trên bờ và từ các hoạt động trên biển, do khai thác, sử dụng tài nguyên không theo những quy hoạch hợp lý, đang bị làm trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Ông Hiển cho rằng, một trong những nguyên nhân hàng đầu là do phương thức quản lý. Cách quản lý truyền thống theo ngành và lãnh thổ đã tạo nên những xung đột về quyền lợi, dẫn tới buông lỏng quản lý và là nguyên nhân suy thoái tài nguyên và môi trường đại dương.
“Thông thường, các ngành kinh tế biển khai thác, sử dụng tài nguyên biển để phục vụ phát triển ngành luôn tối ưu hóa lợi ích của ngành mình mà không quan tâm đầy đủ tới lợi ích các ngành khác; chỉ chú trọng khai thác, sử dụng tài nguyên, ít quan tâm tới bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, sinh cảnh. Các địa phương cũng chỉ quản lý theo lãnh thổ được phân cấp quản lý và do vậy không thể giải quyết các vấn đề có tính xuyên địa phương”, Thứ trưởng Hiển nói.
Một nguyên nhân nữa là do những quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển còn thiếu tầm nhìn dài hạn và chưa xem xét, đánh giá tất cả các chức năng của từng khu vực biển, vùng ven biển và hải đảo để lựa chọn được phương án có lợi nhất. Ô nhiễm môi trường biển có thể lan truyền nhanh và có quy mô tác động rất lớn, thậm chí qua nhiều quốc gia.
Nhiều loại sinh vật biển có thể di chuyển trên một khoảng cách rất rộng, trên toàn bộ đại dương. Do vậy, để bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển, cần phải tiếp cận và giải quyết các vấn đề trên toàn bộ hệ sinh thái.
Tại hội nghị, đại diện các nước cũng nêu quan điểm giống với Việt Nam, đều cho rằng ô nhiễm đại dương đã dẫn đến nguồn lợi sinh vật ngày càng cạn kiệt. TS. Gunna Kullenberg (đại diện Cộng hòa DCND Triều Tiên) cho rằng, phát thải khí từ các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến đại dương, hiệu ứng nhà kính, đánh bắt bừa bãi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi sinh vật đại dương.
“Khi nguồn lợi hải sản bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng đến con người, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng; bởi nguồn lợi sinh vật đại dương cung cấp đến 40% lượng thức ăn hằng ngày cho nhân loại”, TS. Gunna Kullenberg nhấn mạnh.
Chung tay bảo vệ đại dương và vùng bờ
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: “Trong bối cảnh này, cần phải có một cách tiếp cận mới về phát triển và quản lý môi trường biển và vùng bờ biển ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia; thúc đẩy quản trị đại dương; xây dựng các chính sách quốc gia về quản lý tổng hợp đại dương; cơ chế điều phối các hoạt động của các ngành và phối hợp hoạt động của các địa phương, thậm chí nhiều nước.
Ngoài ra, cần những quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển có tầm nhìn dài hạn và được xây dựng trên cơ sở phân tích kỹ các chức năng khai thác, sử dụng của khu vực biển và vùng bờ biển để bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội”.
Để giải quyết tất cả các vấn đề nêu trên, đòi hỏi phải có một cơ chế điều phối các hoạt động của các ngành và phối hợp hoạt động của các địa phương, thậm chí nhiều nước. Ngoài ra, cần những quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển có tầm nhìn dài hạn và được xây dựng trên cơ sở phân tích kỹ các chức năng khai thác, sử dụng của khu vực biển và vùng bờ biển để đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
TS. Gunna Kullenberg cho rằng, cần phải giảm phát khí thải, đưa ra những biện pháp bảo vệ; đồng thời phải thay đổi những ngành công nghiệp tạo ra khí CO2; các ngành sản xuất hóa chất liên quan đến đại dương phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho hệ sinh thái.
Theo TS. Gunna Kullenberg, Triều Tiên tiếp tục đặt ra những khu vực trọng tâm cần quản trị, bảo vệ môi trường; giá trị dịch vụ về mặt sinh thái có thể lồng ghép trong chính sách hàng hóa; tiếp tục đánh giá lại những hoạt động kinh doanh dịch vụ tác động tới môi trường; nắm bắt và hiểu biết hơn về môi trường sinh thái, kết nối các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách để có thêm thông tin, có thêm hiểu biết xử lý những vấn đề này…
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ