.
ĐẠI HỘI HỘI TÙ YÊU NƯỚC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ III

Tỏa sáng giữa đời thường

.

Vợ chồng ông Phạm Văn Bạn và bà Nguyễn Thị Nhị (ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) là những người đã kinh qua chiến tranh, từng bị địch bắt bớ, tù đày... Trong thời bình, ông bà đã vươn lên sản xuất, làm ăn, tạo việc làm cho gần 300 lao động và đóng góp xây dựng quê hương, trở thành tấm gương điển hình của người tù yêu nước giữa đời thường.

Trong xưởng may của Công ty TNHH Tiến Thắng.
Trong xưởng may của Công ty TNHH Tiến Thắng.

Chung tâm nguyện giúp ích cho đời

Những năm bị địch giam cầm ở Phú Quốc, ông Bạn hăng hái tham gia cuộc đấu tranh biến lao tù Mỹ - ngụy thành trường học cách mạng. Ông là ủy viên BCH Đảng bộ nhà tù, thường xuyên đi đầu trong các phong trào chống chào cờ, chống nhục hình, chống ép buộc chiêu hồi…

Nhiều lần bị địch bẻ răng, đốt ngón tay, treo ngược người và biết bao cực hình man rợ, nhưng ông vẫn luôn giữ vững khí tiết người cộng sản. Tại trại giam Hội An (Quảng Nam), bà Nhị cũng hăng hái tham gia các hoạt động đấu tranh trong nhà tù, bất chấp sự tra tấn hành hạ của quân thù, luôn son sắt niềm tin vào ngày chiến thắng…

Quen nhau trong kháng chiến, đến sau ngày đất nước thống nhất, hai người nên nghĩa vợ chồng và đã trải qua bao vất vả trong cuộc sống đời thường. Cùng là thương binh, hội viên tù yêu nước, vợ chồng ông Bạn lại cùng chung tâm nguyện giúp ích cho đời.

Sau khi nghỉ hưu, hai vợ chồng làm dự án thành lập công ty may mặc xuất khẩu và đã thuê 7.000m2 đất ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) để xây dựng công ty may. Ngoài tiền tích lũy, ông bà còn vay vốn ngân hàng, đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng cơ sở nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, thành lập Công ty TNHH Tiến Thắng vào đầu năm 2006.

Công ty Tiến Thắng chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, công suất 800.000 bộ sản phẩm/năm, 100% sản phẩm tiêu thụ tại thị trường châu Âu và năm nào cũng được khen thưởng về việc hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế Nhà nước. Công ty hiện có 6 dây chuyền may, 1 xưởng cắt và 1 xưởng hoàn thành. Tất cả các công đoạn đều được làm bằng máy móc với nhiều loại thiết bị tiên tiến. Tăng trưởng bình quân của công ty hằng năm từ 10-15%.

Chăm lo đời sống công nhân

Trong tuyển dụng lao động và trong quá trình quản lý, điều hành, vợ chồng ông Bạn quan tâm những người nghèo khó, hoạn nạn, tật nguyền. Cụ thể như chị Nguyễn Thị Thu Thảo bị tật ở chân, dù biết nghề may nhưng xin việc nhiều nơi vẫn không được. Chị Thảo không ngờ được ông bà chủ Công ty Tiến Thắng tuyển dụng và bố trí vào làm tại chuyền may số 3.

Sau đó, ông Bạn còn nhận chồng chị Thảo vào làm trong công ty để thuận tiện việc đưa đón vợ hằng ngày. Anh công nhân cắt vải Phan Hồng Phước (ở thôn Lệ Trạch, xã Hòa Tiến) có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa dột nát, đã được vợ chồng ông Bạn hỗ trợ 5 triệu đồng và vận động cán bộ, công nhân viên toàn công ty ủng hộ 8 triệu đồng. Ông Bạn còn liên hệ xin Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ 10 triệu đồng, giúp anh Phước có điều kiện chữa bệnh cho con và sửa chữa nhà.

Mặt khác, vợ chồng ông bà xây dựng mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ, vận động họ giúp đỡ những người lao động tật nguyền. Trong đó, Tổ chức Save the Children (Mỹ) đã hỗ trợ cho 100% người khuyết tật đang làm việc tại Công ty Tiến Thắng, mỗi tháng 500.000 đồng/người.

Công ty Tiến Thắng hiện có hơn 270 công nhân, lương bình quân 4,5 triệu đồng/tháng, hầu hết đều có chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Những người mới tuyển dụng đều được công ty đào tạo nghề, hỗ trợ tiền xăng xe và sinh hoạt phí. Người có trình độ, năng lực được đãi ngộ xứng đáng và tạo điều kiện phát triển. Đặc biệt, Công ty Tiến Thắng là công ty TNHH đầu tiên ở Đà Nẵng có chi bộ Đảng trực thuộc Đảng bộ huyện Hòa Vang, do ông Bạn làm Bí thư chi bộ. Khi mới thành lập, chi bộ có 5 đảng viên, nay có 11 đảng viên và năm nào cũng đạt trong sạch, vững mạnh.

Vợ chồng ông Phạm Văn Bạn và bà Nguyễn Thị Nhị nhận phụng dưỡng suốt đời 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ chương trình Hướng về biển, đảo thân yêu 50 triệu đồng; hằng năm đóng góp các hoạt động tình nghĩa, nhân đạo, khuyến học hơn 200 triệu đồng.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.