.

Đằng sau vụ kháng cáo của "nhân tài" Đà Nẵng

.

Trong tổng số 16 trường hợp vi phạm hợp đồng khi thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bị Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng (CPHUD) khởi kiện đòi bồi thường chi phí, đã có 8 trường hợp được tòa xét sơ thẩm.

Theo đúng cam kết, các học viên bắt buộc phải trở về cống hiến cho Đà Nẵng. Thông qua cọ xát, làm việc thực tế để tự rút ra kinh nghiệm thực tiễn, để hiểu thành phố đang cần gì, thiếu gì, lúc đó học viên có thể xin học bổng và đi học lại.  Trong ảnh: Y tế là một trong những ngành thành phố cần nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển.
Theo đúng cam kết, các học viên bắt buộc phải trở về cống hiến cho Đà Nẵng. Thông qua cọ xát, làm việc thực tế để tự rút ra kinh nghiệm thực tiễn, để hiểu thành phố đang cần gì, thiếu gì, lúc đó học viên có thể xin học bổng và đi học lại. Trong ảnh: Y tế là một trong những ngành thành phố cần nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển.

Theo phán quyết của tòa án, 8 học viên phải bồi hoàn gần 20 tỷ đồng cho thành phố Đà Nẵng vì phá vỡ hợp đồng, không trở về làm việc ngay cho thành phố như cam kết. Ngày 9-11, 8 học viên đã kháng cáo.

Học viên nói gì?

Trong số 8 trường hợp kháng cáo vừa qua, có 2 trường hợp chưa thể trở về làm việc ngay bởi đang theo học chương trình tiến sĩ với học bổng toàn phần do trường đại học cấp. Phụ huynh học viên H.V.L (một trong số những học viên bị khởi kiện) cho biết, nhận thức được việc mình may mắn đi học bằng ngân sách của thành phố, L. đã cố gắng nỗ lực ngay từ những ngày đầu du học tại Trường đại học Nottingham, Anh.

Bên cạnh đó, trong hợp đồng đã ký kết với thành phố có ghi rõ: “Cho phép học viên được chuyển tiếp đào tạo sau đại học đối với một số ngành nghề thành phố có nhu cầu và phải là học viên xuất sắc, nhận được học bổng hoặc có khả năng tự trang trải được kinh phí” nên L. đã học với mục tiêu tốt nghiệp kết quả xuất sắc và tự tìm được học bổng chuyển tiếp lên tiến sĩ.

“L. và gia đình chỉ đơn thuần nghĩ là tận dụng sức trẻ để tiếp tục học bậc học cao nhất và sẽ trở về cống hiến cho thành phố ngay khi chương trình học tiến sĩ kết thúc. Chưa lúc nào học viên và gia đình có suy nghĩ sẽ phá vỡ hợp đồng, dẫn đến việc kiện cáo như hôm nay”, phụ huynh học viên L. nói.

Gia đình 2 học viên được nhận học bổng toàn phần đều thừa nhận việc học viên không trở về làm việc cho thành phố ngay sau khi tốt nghiệp là điều sai. Tuy nhiên, gia đình vẫn hy vọng thành phố và người dân Đà Nẵng hiểu rằng, trong số những trường hợp phá vỡ hợp đồng vì kết quả học không đáp ứng, vì kết hôn với người nước ngoài, vì nhất quyết không chịu về làm việc… thì vẫn có những học viên luôn nỗ lực đạt kết quả học tập xuất sắc, để nhận được học bổng toàn phần, tiếp tục học và chỉ thời gian ngắn nữa sẽ trở về làm việc theo phân công.

Học viên N.T.Q.A (tham gia Đề án vào năm 2013, du học sinh tại Úc, đã trở về làm việc theo hợp đồng đã ký kết với thành phố) cho rằng, học viên phá vỡ hợp đồng, có thái độ không hợp tác, muốn làm việc tại nước ngoài thì phải hoàn lại toàn bộ số tiền cho thành phố là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, với những học viên đã tìm được học bổng, có thiện chí “ra đi là để quay về”, chỉ trong 2 năm nữa sẽ hoàn thành chương trình tiến sĩ thì hy vọng lãnh đạo thành phố sẽ có sự xem xét.

Chia sẻ cùng gia đình của những học viên trên, học viên N.H.K.N (tham gia Đề án vào năm 2011, du học sinh tại Úc, đã trở về làm việc theo hợp đồng đã ký kết với thành phố) bày tỏ mong muốn lãnh đạo thành phố sẽ quy hoạch cụ thể những ngành nghề đang thiếu nhân lực không chỉ trong thời điểm học viên được gửi đi đào tạo mà cả khi học viên đã hoàn thành khóa học.

Ngành học phải gắn liền với định hướng phát triển lâu dài của thành phố, với yêu cầu của các sở, ban, ngành; tránh tình trạng thừa người, thiếu chỗ trong khi ngành học ban đầu đã được thành phố tư vấn lựa chọn và chấp thuận. Từ đó có thể khai thác hết năng suất, khả năng về tri thức mà người lao động lĩnh hội trong môi trường đạo tạo nước ngoài, xứng đáng với số tiền mà thành phố đã đầu tư.

Phải trở về để hiểu Đà Nẵng cần gì, thiếu gì

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc CPHUD, mọi học viên sau khi tốt nghiệp đều phải về làm việc ngay cho thành phố theo đúng hợp đồng đã cam kết. Thành phố chỉ xem xét các học viên học chuyển tiếp với thành tích xuất sắc, ngành nghề phù hợp với nhu cầu thành phố đang cần. Bên cạnh đó, ông Chiến cho rằng, việc xin được học bổng tiến sĩ với những ngành kỹ thuật, xây dựng, công nghệ thông tin là điều không khó.

Vì vậy, mong rằng các bậc phụ huynh, xã hội không nên quá “thần thánh” vào những học bổng toàn phần đó. Trước đây, thành phố Đà Nẵng vẫn chấp nhận gia hạn thời gian trở về để học viên có thể hoàn thành chương trình sau đại học bằng học bổng tự “săn”. Bằng cách đó, học viên đi học đại học nhưng thành quả mà thành phố thu về là lực lượng lao động có trình độ trên đại học.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy rằng, nhiều học viên cố tình kéo dài quá mức chương trình học, thậm chí có người còn kéo dài đến 11 năm với mục đích được sống và làm việc tại nước ngoài. Khoảng thời gian xa quê hương quá lâu, khoản thu nhập nhiều ngàn USD mỗi tháng khiến họ không còn tư tưởng trở về. Vì vậy, CPHUD đã đề nghị với Thường trực Thành ủy Đà Nẵng ra quyết định chấm dứt hoàn toàn việc chuyển tiếp đào tạo sau đại học. Thông báo này có hiệu lực từ năm 2013 nhưng một số học viên đến nay vẫn không chấp hành, dẫn đến việc khởi kiện như trên.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chiến, lãnh đạo thành phố không cản trở việc tiếp tục học lên của các học viên, tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, theo đúng cam kết, các học viên bắt buộc phải trở về cống hiến cho Đà Nẵng. Thông qua cọ xát, làm việc thực tế để tự rút ra kinh nghiệm thực tiễn, để hiểu Đà Nẵng đang cần gì, thiếu gì, lúc đó học viên có thể xin học bổng và đi học lại.

“Phải trở về, phải tự mình trải nghiệm chứ không phải những hình ảnh, thông tin về thành phố từ xa qua Internet. Điều đó mới giúp học viên có thêm nghị lực để học tập và nỗ lực mỗi ngày sao cho xứng đáng với những gì mà Đà Nẵng dành tặng”, ông Chiến nói.

Bài và ảnh: MAI TRANG

;
.
.
.
.
.