.

Đầu tư dứt điểm các hạng mục xử lý môi trường sông Phú Lộc

.

* Sớm giải quyết nguyện vọng của người dân Khánh Sơn

Đó là chỉ đạo của Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh tại buổi kiểm tra thực tế tình hình triển khai các dự án liên quan đến xử lý môi trường sông Phú Lộc vào sáng 30-10. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh (bìa phải) yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các hạng mục đầu tư. Ảnh: THANH TÌNH
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh (bìa phải) yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các hạng mục đầu tư. Ảnh: THANH TÌNH

Tại buổi kiểm tra thực tế việc thi công của dự án “Nâng cấp, cải tạo Trạm xử lý nước thải Phú Lộc”, bờ kè cửa sông Phú Lộc và các hạng mục liên quan, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, đây là một trong những điểm nóng về môi trường của thành phố, khiến người dân bức xúc nên phải xử lý dứt điểm, không kéo dài và bảo đảm chất lượng dự án. Ban quản lý các dự án cần tập trung đầu tư dứt điểm, đến nơi đến chốn các dự án liên quan đến xử lý môi trường sông Phú Lộc. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan xem xét các hạng mục cần ưu tiên đầu tư để chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường, không để người dân kêu khổ vì mùi hôi.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cũng cho biết, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Dự kiến, khi các hạng mục hoàn thành, khoảng 90% nước thải sẽ được thu gom xử lý. Với công nghệ xử lý hiện đại, khi hoàn thành, nước thải đầu ra sẽ đạt loại A, ô nhiễm môi trường sẽ được giải quyết dứt điểm.

Theo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, hạng mục công trình chống bồi lắng cát tại cửa sông Phú Lộc thuộc Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng có tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA; hiện các hạng mục chính đạt 82% kế hoạch thi công. Dự án “Nâng cấp, cải tạo Trạm xử lý nước thải sông Phú Lộc (giai đoạn 1)” do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính điều hành có tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng, công suất xử lý nước thải 40.000m3/ngày đêm. Hiện nay các hạng mục chính như nhà điều hành đạt 95%, bể trung gian đạt 70% bảo đảm tiến độ đề ra. Dự kiến thời gian hoàn thành công trình vào tháng 6-2016. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Dự án phát triển bền vững, hệ thống lưu vực kênh Phần Lăng, cầu Đa Cô, Khe Cạn sẽ được cải tạo, thu gom nước thải đưa về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc xử lý.

Thanh Tình

Sáng 31-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các ngành chức năng và quận Liên Chiểu có buổi đối thoại nhằm xử lý những kiến nghị, bức xúc của người dân đối với tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác Khánh Sơn, các nhà máy xử lý nước thải, rác thải tại đây gây ra.

Bức xúc vì ô nhiễm kéo dài

Ngay từ sớm, hơn 400 người dân khối phố Khánh Sơn và các khu vực lân cận thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu đã có mặt tại hội trường khu dân cư Khánh Sơn. Nhiều bà con bày tỏ bức xúc về việc phải sống chung với ô nhiễm mà bãi rác Khánh Sơn và các công ty xử lý nước, rác thải gây ra trong suốt thời gian dài.

Bà Nguyễn Thị Thành cho biết: “24 năm nay, người dân  khổ sở vì ô nhiễm rồi nên rất bức xúc. Lúc đầu là đưa bãi rác lên đây, rồi tiếp đến Công ty Quốc Việt, Công ty CP Môi trường Việt Nam... Bây giờ, chúng tôi yêu cầu thành phố di dời hết những công ty này. Ở trung tâm thành phố thì “thơm tho” còn người dân chúng tôi chỉ xin một hơi thở mà 24 năm nay vẫn chưa được”. Bà Hoàng Thị Hiền cho rằng, sở dĩ người dân nơi đây chặn xe vì các công ty này cam kết xử lý không để xảy ra ô nhiễm, nhưng vẫn để tình trạng này tái diễn. Người dân chặn xe để yêu cầu thành phố phải giải quyết, di dời các công ty này.

Bên cạnh những bức xúc, kiến nghị tại hội trường, UBND quận Liên Chiểu đã tổng hợp những ý kiến người dân phản ánh lên thành phố trước đó. Cụ thể, tiếp tục sử dụng nước không thu tiền cho các hộ tại khu bãi rác Khánh Sơn và đề nghị tăng hỗ trợ lên 2m3/người/tháng đối với các hộ có hộ khẩu từ năm 2007 trở về trước. Đối với các hộ còn lại, hỗ trợ theo Công văn số 612 ngày 27-2-2008 của Văn phòng UBND thành phố là 1m3/người/tháng; không thu phí thu gom rác thải sinh hoạt; đổi tên bãi rác Khánh Sơn thành bãi rác thành phố; thành lập và xây dựng trường mầm non công lập phục vụ cho nhu cầu học tập, vui chơi của con em nhân dân Khánh Sơn…

Tại buổi đối thoại, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Quận ủy quận Liên Chiểu nhấn mạnh, những ý kiến bà con phát biểu đều xuất phát từ những bức xúc bấy lâu nay. Vì vậy, thành phố cần xem vấn đề này là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để giải quyết, hỗ trợ cho người dân. Yêu cầu những bên liên quan phải thực hiện đúng quy trình vận hành, phải khép kín để  bảo đảm môi trường xung quanh.

Đóng cửa nhà máy nếu còn xảy ra ô nhiễm

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn, thành phố đã chỉ định ông trực tiếp làm trưởng đoàn phối hợp với UBND quận Liên Chiểu và các ban, ngành tiến hành kiểm tra theo kiến nghị của người dân. Qua kiểm tra, 4 công ty gồm: Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty Quốc Việt, Công ty CP Môi trường Việt Nam, Công ty TNHH Thái Dương, đã phát hiện các công ty này xử lý rác thải không đúng quy trình, gây ô nhiễm môi trường. Đoàn đã yêu cầu các công ty tiến hành khắc phục. Ngày 30-10, đoàn đã tiến hành kiểm tra lại, các công ty đã triển khai thực hiện nhưng chưa dứt điểm, còn hạn chế. Đầu tháng 11, sở sẽ tiếp tục kiểm tra.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, về tình hình người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn, đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã xuống hiện trường ghi nhận và chỉ đạo kịp thời; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng đã có các văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương để xử lý những bức xúc của nhân dân. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường vừa rồi là do Công ty CP Môi trường đô thị để xe chở rác rỉ nước ra đường, không làm vệ sinh; vì vậy đề nghị Công an thành phố, Công an quận Liên Chiểu phải thường xuyên kiểm tra, nếu tình trạng này lại xảy ra thì phải xử lý ngay. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phải duy trì tổ giám sát, bằng mọi cách phải hỗ trợ về nguồn lực để tổ giám sát này hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Người tổ trưởng phải có số điện thoại nóng để người dân phản ánh bất cứ lúc nào. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét các hạng mục bãi rác đang tồn đọng, hoặc đang đóng cửa thì phải trồng cây xanh, thu nước rỉ. Sở Xây dựng rà soát lại quy hoạch bãi rác Khánh Sơn, xem khoảng cách cự ly từ nhà máy đến khu dân cư có phù hợp không, nghiên cứu quy hoạch bãi rác mới...

Về những kiến nghị xây khu vui chơi trẻ em, trường mầm non…, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, sẽ đề nghị HĐND thành phố ra nghị quyết, coi đây là những công trình, hạng mục trọng điểm để sớm triển khai. Riêng hỗ trợ tiền nước sạch, BHYT cho người dân Khánh Sơn, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu triển khai, thực hiện.

“Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan, đặc biệt là các công ty đang hoạt động tại khu vực Khánh Sơn phải nghiêm túc thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, cùng với đại diện bà con Khánh Sơn giám sát để các công ty này làm đúng sự chỉ đạo của UBND thành phố. Qua kiểm tra, giám sát, nếu không đúng chỉ đạo thì thành phố sẽ xem xét, đóng cửa, khi nào đảm bảo vấn đề môi trường mới cho hoạt động trở lại”

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.