.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát huy giá trị di sản văn hóa

Nhiều vấn đề quan trọng được các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử nêu lên tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển văn hóa, xã hội ở miền Trung trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, do Học viện Chính trị khu vực III phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ tổ chức ngày 6-11.

Hội thảo hướng đến giải quyết bài toán để hội nhập toàn cầu, tiếp nhận những tinh hoa văn hóa, trí thức nhân loại nhưng đồng thời vẫn giữ vững bản sắc văn hóa, không để lẫn lộn mình vào dân tộc khác.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố, Đà Nẵng hiện đang nổi lên vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật tuồng. Dường như có điều gì không ổn khi bảo tồn và phát huy giá trị của tuồng bằng cách đưa tuồng xuống phố; bởi, đường phố với tư cách là không gian diễn xướng không thực sự phù hợp với một loại hình nghệ thuật hàn lâm như tuồng.

Ông Bùi Văn Tiếng khẳng định, việc đưa tuồng xuống phố chỉ như là một hình thức quảng cáo, tiếp thị về nghệ thuật tuồng; chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải định hướng phát triển.

Bà Hà Diệu Thu, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, lại nêu lên lo ngại về việc những năm gần đây “bùng nổ” vấn đề phục hồi di sản văn hóa. Nhiều địa phương trên địa bàn các tỉnh miền Trung bằng nguồn kinh phí “xã hội hóa” từ tiền quyên góp của các tầng lớp nhân dân đã cho tôn tạo, khôi phục đình chùa, miếu, lễ hội… với mục đích chính là để phát triển du lịch; bởi ở đâu có di sản văn hóa thì ở đó thu hút khách du lịch và sẽ kéo theo các hoạt động dịch vụ khác.

Chính vì thế nhiều nơi trong vùng chú trọng bảo tồn, trùng tu, khôi phục các di sản văn hóa, tạo nên phong trào đầu tư tôn tạo di tích ồ ạt dẫn đến chất lượng di sản kém, thiếu tính thẩm mỹ, làm mất đi phần nào giá trị văn hóa.

Ông Nguyễn Thăng Long, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế nêu lên thực trạng, trong suốt thời gian dài hình thành và phát triển, các cộng đồng cư dân vùng duyên hải miền Trung đã sáng tạo nên truyền thống văn hóa biển, đảo lâu đời; không ít di sản đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Lễ hội Cầu ngư, hát bả trạo, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa... Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, nhiều di sản văn hóa biển, đảo đã và đang dần phai nhạt, đơn giản hóa hay thậm chí biến mất.

Để tránh việc quy hoạch, phát triển du lịch di sản tràn lan, bà Hà Diệu Thu cho rằng, việc quy hoạch tổ chức không gian du lịch phải phù hợp với Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Cần quản lý “sức chứa” phù hợp khả năng chịu tải của tài nguyên và môi trường du lịch, quản lý tác động của hoạt động du lịch căn cứ vào báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các khu vực di tích, đặc biệt là di sản văn hóa thế giới.

Theo ông Nguyễn Thăng Long, các tỉnh, thành phố miền Trung, nơi thể hiện đậm dấu ấn văn hóa biển đảo, việc hình thành các bảo tàng văn hóa biển sẽ góp phần khẳng định vai trò, vị thế của một quốc gia biển.

Hầu hết các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây là cách để vừa quảng bá di sản văn hóa nói riêng, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung trên trường quốc tế vừa có thể tiếp nhận được sự hợp tác, giúp đỡ về khoa học, công nghệ của bạn bè trên thế giới trong quá trình triển khai hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.