.

Đoàn kết - động lực để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững

.

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lập ra Mặt trận Dân tộc thống nhất để thực hiện vai trò là một liên minh chính trị, tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - nay là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, đã trở thành biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết đó.

Ngày hội đại đoàn kết 2015 ở thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước. 	  Ảnh: SƠN TRUNG
Ngày hội đại đoàn kết 2015 ở thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước. Ảnh: SƠN TRUNG

Từ khi trở thành đơn vị hành chính mới trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có điều kiện và cơ hội mới để bứt phá đi lên với sự phát triển khá toàn diện, nhất là trong quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn liền với chỉnh trang và phát triển đô thị, đồng thời tập trung giải quyết tốt các mục tiêu an sinh xã hội… đã làm cho thành phố thay da đổi thịt từng ngày.

Mặt trận các cấp của thành phố đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, về khu dân cư tuyên truyền vận động, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước.

Tiêu biểu là các cuộc vận động: «Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư», «Ngày vì người nghèo», “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Mặt trận khởi xướng, chủ trì và phối hợp thực hiện. Công tác giám sát xã hội và phản biện xã hội theo tinh thần Quyết định 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị bước đầu đạt kết quả tốt. Bộ máy Mặt trận từ thành phố đến cơ sở vững mạnh được củng cố vững mạnh.

Năm 2015, cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tròn 20 năm; cuộc vận động“Ngày vì người nghèo” tròn 15 năm. Đây là hai cuộc vận động có tính nhân văn sâu sắc và để lại một dấu ấn đậm nét trong sự phát triển của thành phố Đà Nẵng.

20 năm qua, tỷ lệ “Gia đình văn hóa” bình quân đạt 80,1%/tổng số hộ dân, 65% tổ dân phố/thôn văn hóa. Năm 2000 có 94.000 gia đình đạt “Gia đình văn hóa”, chiếm tỷ lệ 65% đến năm 2014 có 194.425 hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa” tỷ lệ 80,26%.

Qua 15 năm, Mặt trận các cấp đã huy động hơn 194 tỷ đồng vào Quỹ “Vì người nghèo”. Số tiền này được ưu tiên tập trung hỗ trợ xây dựng 5.205 nhà và sửa chữa 4.632 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ 12.566 lượt người khám chữa bệnh; hỗ trợ 17.681 lượt hộ nghèo phát triển sản xuất; hỗ trợ 50.039 lượt em học sinh con hộ nghèo có điều kiện đến trường. Ngoài ra, nguồn Quỹ này hỗ trợ giúp trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có điều kiện phẫu thuật; tiếp sức cho hàng trăm học sinh có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường; giúp đỡ nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Những thành tựu to lớn đạt được của Mặt trận các cấp thành phố là kết quả tổng hợp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; là kết quả nhận thức và đánh giá đúng đắn vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân, luôn tin vào dân, dựa vào dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; là sự quan tâm phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, sự nỗ lực của Mặt trận, các tổ chức thành viên các cấp; là kết quả của truyền thống đoàn kết yêu nước của các tầng lớp nhân dân trong toàn thành phố và sự giúp đỡ chí tình của bà con, bạn bè trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới Đảng bộ và nhân dân thành phố phải phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, với tinh thần cách mạng tiến công quyết liệt hơn nữa để thực hiện mục tiêu “xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Đà Nẵng phải phấn đấu để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020”.

Mục tiêu trên đặt ra cho Đà Nẵng nhiệm vụ tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đại đoàn kết toàn dân. Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể  các cấp của thành phố phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong toàn xã hội. Tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Đây là cuộc vận động mới do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động trên cơ sở kế thừa 2 cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; mở rộng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả, thật sự là của dân, do dân, vì dân.

Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân theo tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”, nhằm huy động sự góp sức của kiều bào và bà con sinh sống ngoài thành phố xây dựng thành phố Đà Nẵng. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận phải hướng về cơ sở, khu dân cư và hộ gia đình; xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp có năng lực, trách nhiệm và nhiệt tình, tận tâm phục vụ nhân dân, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, lên tầm cao mới, chiều sâu mới.

Nguyễn Mạnh Hùng

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.