.

Kỳ vọng chuyển biến từ đổi mới chất vấn

.

Ngày 16-11, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành đổi mới cách chất vấn và trả lời chất vấn giữa đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến các cử tri về hoạt động này.

Cử tri Nguyễn Tấn Trung, phường Thanh Bình, quận Hải Châu: Đổi mới chất vấn là xu hướng tất yếu

Theo tôi, đáng ra Quốc hội nên thực hiện việc đổi mới chất vấn sớm hơn, vì đây là tất yếu của quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội; bởi chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức sinh hoạt dân chủ cao nhất của một kỳ họp Quốc hội.

Các nước tiên tiến đã tổ chức thực hiện đổi mới chất vấn theo hình thức này nhiều năm trước và mang lại những hiệu quả rõ nét, góp phần tạo ra phong cách hứa và làm của từng thành viên Chính phủ và các ngành có liên quan. Như thế, những vấn đề về mọi mặt của đời sống xã hội đưa ra bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội mới được xử lý rốt ráo, mang lại hiệu quả thiết thực phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Theo dõi phiên chất vấn trong ngày 16-11, tôi thấy việc hỏi và trả lời có sự đầu tư hơn, câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đi thẳng vào những vấn đề và nhóm vấn đề còn nhiều bức xúc ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Đó là vấn đề đổi mới giáo dục, tái cơ cấu nông nghiệp, chất lượng tăng trưởng hay như bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội… Có đại biểu hỏi 4 đến 5 câu hỏi cho 4 đến 5 thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất mà cử tri chúng tôi theo dõi chính là lời hứa phải thực hiện, không chỉ hứa trên nghị trường mà phải hành động mạnh mẽ hơn để tạo ra sự khác biệt so với trước đây.

V.D ghi

Cử tri Nguyễn Văn Thái, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu: Còn diễn đạt dài dòng, lãng phí thời gian

Qua theo dõi buổi truyền hình trực tiếp tại phiên chất vấn cử tri chúng tôi thấy có sự khác biệt đáng mừng. Ở các kỳ họp trước, người trả lời chất vấn và nhóm vấn đề chất vấn đều biết trước, nhưng kỳ họp này sẽ không biết các vị đại biểu hỏi ai và hỏi nội dung gì, nên các thành viên Chính phủ nhận được chất vấn sẽ phải trả lời tại chỗ. Tuy nhiên, cử tri vẫn chưa thật hài lòng vì nhiều đại biểu Quốc hội chưa phát huy hết trách nhiệm, trí tuệ để chọn những vấn đề sâu sắc để chất vấn; thậm chí, một số đại biểu đặt câu hỏi chất vấn quá dài, chưa xứng tầm với diễn đàn Quốc hội.

Bên cạnh đó, người trả lời cũng chưa đi thẳng vào vấn đề, còn diễn đạt dài dòng làm lãng phí thời gian của kỳ họp, lãng phí thời gian theo dõi của cử tri. Thậm chí có lãnh đạo bộ, ngành còn vừa trả lời chất vấn vừa “báo cáo thành tích” của ngành. Cử tri mong muốn, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiếp tục được cải tiến và đổi mới hơn nữa.

Đặc biệt, cử tri mong đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chọn những vấn đề sâu sắc để chất vấn; cần nêu câu hỏi ngắn gọn, sắc sảo, đi thẳng vào vấn đề, chứng tỏ thật xứng đáng là đại diện cho nguyện vọng, tiếng nói của cử tri thành phố.

TRỌNG HÙNG ghi

Cử tri Trần Văn Hoàn,  phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà: Làm rõ hơn về trách nhiệm các bộ, ngành liên quan đến thủy điện

Trong nhiều nội dung chất vấn tại kỳ họp Quốc hội ngày 16-11, tôi rất tâm đắc với phần chất vấn của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) và đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về những vấn đề liên quan đến thủy điện. Cụ thể ở đây chính là trách nhiệm của các doanh nghiệp đã không thực hiện đúng cam kết của mình về trồng rừng thay thế khi làm thủy điện.

Chúng ta đã biết, việc xây dựng thủy điện một cách ồ ạt thời gian qua đã gây không ít hệ lụy. Đơn cử như Đà Nẵng, nguồn nước sinh hoạt mấy năm gần đây liên tục bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép mà nguyên nhân là do thủy điện chặn, phá hủy dòng chảy tự nhiên. Tôi cho rằng, cần truy vấn, quy trách nhiệm của các bộ, ngành một cách rõ ràng về vấn đề này.

Số liệu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về diện tích trồng rừng thay thế cho số diện tích bị phá hủy khi làm thủy điện là 21.000ha, trong khi đó Bộ Công thương lại báo cáo là 18.000ha.

Vậy thử hỏi, cùng một câu chuyện nhưng hai cơ quan hữu quan lại đưa ra hai con số khác nhau, chênh lệch đến 3.000ha liệu có thuyết phục được không? Dư luận sẽ tin vào ai và liệu con số báo cáo như vậy liệu có thực sự chính xác hay chỉ chạy theo thành tích, báo cáo khống?  

Cử tri Võ Khanh (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê): Chống tham nhũng phải đi vào thực chất

Có thể nói, phần chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) về vấn nạn tham nhũng đã nói thay cho tâm tư, nguyện vọng của đông đảo người dân cả nước chứ không riêng gì tỉnh Nam Định. Lâu nay chúng ta cứ hô hào phòng, chống tham nhũng nhưng trên thực tế, theo như đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói, hiện có nhiều cán bộ lại giàu lên một cách nhanh chóng. Nhưng trong khi đó tham nhũng còn những góc khuất chưa thể phát hiện và xử lý kịp thời.

Khi tham nhũng đang trở thành một vấn nạn, nếu không xử lý có hiệu quả thì niềm tin của nhân dân sẽ mất dần. Những bức xúc, trăn trở, bất công trong xã hội khó có thể giải quyết được, bởi giá trị của đồng tiền sẽ ngự trị, thậm chí có thể mua được công lý. Đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, vấn nạn tham nhũng là một mối nguy lớn.

PHAN CHUNG ghi

;
.
.
.
.
.