ĐNĐT - Ngày 13-11, Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh chỉ đạo UBND các phường phối hợp với Công ty Quản lý Nhà Đà Nẵng khẩn trương vận động các hộ dân đang sống trong 9 khu nhà tập thể (KNTT) xuống cấp trầm trọng di dời ra ngoài nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Khu nhà tập thể số 129 Hải Phòng đang có nguy cơ đổ sập cao. |
Nhiều vướng mắc
Công ty Quản lý Nhà Đà Nẵng cho biết, đến nay có 36/50 hộ chính chủ ở 9 KNTT nói trên thống nhất chủ trương giải tỏa, di dời của UBND thành phố và đồng ý nhận đất tái định cư ở Khu A - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), nhận hỗ trợ 60% tiền nhà, 60% tiền đất theo quy định và nhận hỗ trợ phần đất tự làm thêm (nếu có) và phần hỗ trợ di chuyển để bàn giao căn hộ tại khu nhà xuống cấp cho Nhà nước quản lý.
Còn lại, có 5 hộ chính chủ không đồng ý di dời mà có đề nghị xin mua lại căn hộ đang ở, 1 hộ xin bố trí thêm 1 lô đất diện hộ phụ, 1 hộ xin bố trí căn hộ chung cư tại Khu chung cư số 201 Đống Đa và 6 hộ kiến nghị được bố trí đất tái định cư ở quận Hải Châu.
Trong 30 hộ không ở mà để nhà trống hoặc cho con cái ở, cho người khác ở nhờ (hộ không chính chủ), có 2 hộ thống nhất chủ trương giải tỏa, di dời của UBND thành phố nhận hỗ trợ 60% tiền nhà, 60% tiền đất theo quy định, nhận hỗ trợ phần đất tự làm thêm (nếu có) và phần hỗ trợ di chuyển để bàn giao căn hộ tại khu nhà xuống cấp cho Nhà nước quản lý; 1 hộ không đồng ý di dời mà có đề nghị xin mua lại căn hộ đang ở; 25 hộ xin được bố trí đất tái định cư ở Khu A - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.
Ông Lê Doãn Lâm, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Quản lý Nhà Đà Nẵng cho rằng, việc giải tỏa, di dời các hộ dân sống trong 9 KNTT này đang gặp phải những tồn tại, vướng mắc nan giải. Cụ thể, các hộ chính chủ không đồng ý di dời mà đề nghị xin được mua lại căn hộ đang ở với lý do căn hộ hiện đang ở không xuống cấp, gia đình đã ở đây từ rất lâu và đã nhiều lần đầu tư sửa chữa lại để ở và thuận tiện trong việc làm ăn buôn bán, con cái học hành...
6 hộ chính chủ đề nghị được bố trí đất tái định cư trên địa bàn quận Hải Châu và một số hộ đề nghị bố trí căn hộ chung cư tại Khu chung cư số 201 Đống Đa vì từ trước đến nay, hơn 40 năm đã sinh sống và làm việc tại khu vực trung tâm thành phố, nay bố trí đất tái định cư về địa phận xã Hòa Châu là quá xa, rất khó khăn cho các hộ về mặt ăn ở, sinh hoạt và việc học hành của con cái.
Đối với những hộ không ở để nhà trống hoặc cho con cái ở, cho người khác ở nhờ, theo chủ trương của thành phố là không giải quyết bố trí đất tái định cư, nhưng các hộ có ý kiến do nhà ở đã quá xuống cấp, diện tích nhỏ, chật chội, gia đình đông người nên phải tìm chỗ ở khác bên ngoài để bảo đảm điều kiện sống và bảo đảm an toàn. Vì thế, các hộ đề nghị được bố trí đất tái định cư ở Khu A - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ tương tự như các hộ chính chủ đang ở tại khu tập thể.
"Công ty đang khẩn trương tổng hợp, đề xuất mức hỗ trợ, bố trí tái định cư... cụ thể từng trường hợp để báo cáo Sở Xây dựng trình UBND thành phố xem xét, giải quyết", ông Lâm cho biết.
Không sử dụng để ở được nữa
Ông Lâm cũng cho hay: "Theo đánh giá của Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng, 9 KNTT này có chất lượng còn lại dưới 40%. Dầm, sàn, mái đúc (kết cấu bê-tông, cốt thép) xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc gây gỉ cốt thép; tường xây bao che bị bong tróc, có nhiều vị trí bị nứt, thấm mốc; mái tôn bị gỉ, dột nước khi trời mưa. Hệ thống điện trong khu tập thể đi nổi chắp vá nhiều nơi, dễ gây chập điện, cháy nổ và không bảo đảm an toàn; khu vệ sinh tập thể sử dụng bị hư hỏng, xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường sống...
Theo quy định, với mức độ hư hỏng, xuống cấp như vậy, không thể ở được nữa, phải di dời ngay các hộ gia đình ra khỏi các KNTT để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Chính phủ cũng quy định, trong trường hợp các hộ gia đình không chịu di dời ra khỏi nhà thì chính quyền địa phương áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cưỡng chế".
Trước tình hình này, ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu chỉ đạo UBND các phường Hải Châu 1, Thạch Thang, Phước Ninh và Bình Thuận phối hợp với Công ty Quản lý Nhà Đà Nẵng ngay trong tháng 11 này phải triển khai công tác vận động di dời, trước mắt tập trung vào những hộ chính chủ đã đồng thuận chủ trương. Hộ nào đồng ý di dời thì vận động, hỗ trợ di dời ngay ra khỏi căn hộ, đồng thời có phương án bảo vệ để tránh người dân vào chiếm ở.
Tiếp đó, vận động các hộ còn lại di dời để bảo đảm tính mạng, còn kiến nghị bố trí đất tái định cư của các hộ thì địa phương và công ty quan tâm, tích cực kiến nghị thành phố giải quyết.
"Tong tháng 12-2015, phải di dời các hộ này ra khỏi căn hộ, không có chuyện cho các hộ ký cam kết ở lỳ và ở liều trong những căn hộ đó, kiên quyết cưỡng chế ra khỏi căn hộ. Nếu cho dân ở lại trong những căn hộ đó thì lãnh đạo phường chịu trách nhiệm. Cuối tháng 11 này, mời các phường và các đơn vị họp để báo cáo kết quả vận động. Riêng 6 hộ đang kinh doanh có kiến nghị xin mua lại nhà, đất đang thuê thì khảo sát lại, cuối tháng 11 này có phương án xử lý", ông Lê Anh chỉ đạo.
KHÁNH HÀ