Chính trị - Xã hội

Tái cơ cấu đầu tư công để phát triển bền vững

07:56, 05/11/2015 (GMT+7)

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Văn Sơn vừa đề xuất kế hoạch hành động về tái cơ cấu đầu tư công để thành phố phát triển bền vững trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, thành phố Đà Nẵng thực hiện 5 giải pháp trọng tâm.

Trước tiên là phát huy các nguồn lực và lợi thế so sánh khi tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và lộ trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Bởi thời điểm này, các rào cản thuế quan được tháo gỡ, thuế suất bằng 0 và thấp khoảng 5% sẽ kích thích lĩnh vực thương mại và đầu tư phát triển.

Đà Nẵng với vai trò là đầu mối giao thông, trung tâm của khu vực nên cần tăng cường đầu tư phát triển một số hạ tầng chiến lược để kết nối hiệu quả liên kết vùng, liên kết quốc tế. Cụ thể, nâng cấp sân bay và mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế. Trong đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng giai đoạn 2 vốn đầu tư khoảng hơn 7.000 tỷ đồng và được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), dự kiến hoàn thành trong năm 2016 và đón khoảng 11-13 triệu lượt khách/năm.

Tiếp đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, phát triển gắn kết giữa cảng Tiên Sa, cảng Liên Chiểu và tổ chức phân luồng hàng hóa qua cảng. Tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi gần 140km hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hơn một giờ đồng hồ và sẽ thúc đẩy các địa phương Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng hình thành các khu công nghiệp và dịch vụ tổng hợp dọc theo trục cao tốc, tuyến hành lang kinh tế Đông Tây được kết nối.

Cảng Liên Chiểu sẽ đảm nhận vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực trọng điểm miền Trung và tiểu vùng sông Mê Kông với công suất trên 30 triệu tấn. Nghiên cứu phát triển khu vực vịnh Đà Nẵng thành một khu đô thị cảng biển để Đà Nẵng thực hiện những bước đột phá trong quá trình hội nhập và trở thành một thành phố có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn về kinh tế biển trong khu vực và quốc tế.

Tiếp đó, Đà Nẵng xây dựng chiến lược đầu tư phát triển các ngành kinh tế theo hướng đa dạng hóa nhiều ngành nghề mới đem lại giá trị gia tăng cao. Chẳng hạn như các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; đầu tư hình thành Trung tâm công nghệ sinh học để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; phát triển khu công nghiệp nghề cá.

Đối với ngành du lịch, tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động và dịch vụ, rà soát quy hoạch và thúc đẩy triển khai các dự án khu du lịch để hình thành trung tâm du lịch ven biển tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Đồng thời, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ quan trọng như: du lịch, tài chính-ngân hàng, giáo dục- đào tạo, y tế chuyên sâu...

Đà Nẵng sẽ tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng tiện ích của đô thị và phát triển không gian đô thị. Dự báo, dân số thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 đạt khoảng 1,25 triệu người, lượng khách du lịch tăng lên 8,95 triệu lượt. Trong tương lai dân số có thể phát triển với quy mô 2-3 triệu dân (gấp 2-3 lần hiện nay).

Do vậy các công trình đầu tư hạ tầng (giao thông, cấp, thoát nước, nhà ở, y tế, giáo dục...), các vấn đề về môi trường, nhu cầu sử dụng đất đai, cần phải tính toán quy mô sử dụng cho một đô thị trên 2 triệu dân. Ngoài ra, cần quy hoạch cải tạo các khu đô thị cũ theo hướng của một đô thị nén và phát triển các khu dân cư mới gắn kết với hệ thống giao thông công cộng.

Tái cơ cấu đầu tư công đối với thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến là huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 231.600 tỷ đồng, trong đó khả năng huy động từ nguồn vốn đầu tư công chỉ chiếm 18,3%, tỷ lệ này tiếp tục giảm so với giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015.

Để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thành phố Đà Nẵng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tăng các nguồn đầu tư từ thuế, thông qua đẩy mạnh phát triển sản xuất và dịch vụ, chống thất thu thuế; định giá đất sát với thị trường để tạo nguồn thu ổn định từ thuế đất; đồng thời chống được tình trạng đầu cơ đất, xây dựng lộ trình tăng dần các chi phí dịch vụ công nhằm giảm bớt áp lực cho ngân sách.

Xây dựng các tiêu chí đánh giá và định mức trong chi tiêu công nhất là các dịch vụ công ích (thu gom xử lý rác, nước thải, chăm sóc cây xanh, duy tu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và chi phí cho các lĩnh vực này, đẩy mạnh hình thức đấu thầu dịch vụ công ích. Nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn đầu tư thông qua việc đấu thầu cạnh tranh rộng rãi và minh bạch.

Thành phố tiếp tục rà soát đánh giá, phân tích và lập danh mục các dự án có khả năng chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác như: BOT, BT... bao gồm: các dự án có thể thu phí để hoàn vốn đầu tư; các dự án có thể thanh toán bằng quyền sử dụng đất nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng, giảm áp lực nợ công cho ngân sách.

Đà Nẵng cũng tham gia thị trường vốn dưới hình thức tăng cường vai trò và quy mô Quỹ Đầu tư phát triển thành phố nhằm tiếp cận mạnh hơn thị trường vốn thông qua phát hành trái phiếu đô thị, vay ODA... Xây dựng kế hoạch để huy động nguồn lực trên cơ sở dự báo tốt nguồn thu từ 5-10 năm và được xem xét điều chỉnh hằng năm để làm đòn bẩy cho nguồn lực đầu tư dài hạn của thành phố.

Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính vẫn là nhiệm vụ trọng tâm với việc tăng cường vai trò giám sát của HĐND các cấp, cộng đồng dân cư và các cơ quan chuyên môn trong quy hoạch, đầu tư mua sắm, cấp đất, giao đất, đền bù giải tỏa, chi tiêu công...; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có chuẩn mực đạo đức, làm việc với tinh thần cống hiến theo tinh thần Chỉ thị số 29/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy…

Triệu Tùng ghi

.