Chính trị - Xã hội

Tái xuất hiện giả danh tu sĩ xin ăn biến tướng

07:26, 25/11/2015 (GMT+7)

“Giúp đỡ người cơ nhỡ trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, song mỗi người dân hãy thật tỉnh táo và cảnh giác để tình thương, sự tử tế của mình không bị những kẻ xấu lợi dụng”.

Hai “nhà sư giả” từ Đồng Nai ra Đà Nẵng xin ăn biến tướng bị lực lượng chức năng phát hiện và bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố.
Hai “nhà sư giả” từ Đồng Nai ra Đà Nẵng xin ăn biến tướng bị lực lượng chức năng phát hiện và bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố.

Đây là chia sẻ của Thượng tọa Thích Thiện Toàn, Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành phố Đà Nẵng tại buổi tọa đàm “Phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ Phật giáo và các cơ sở tín ngưỡng trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” do Ban Tôn giáo thành phố tổ chức sáng 24-11.

Giả danh tu sĩ xin ăn biến tướng

Ông Ngô Khôi, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo thành phố cho rằng, tình trạng giả danh tu sĩ xin ăn biến tướng đến từ các địa phương khác xuất hiện ngày một nhiều trên địa bàn thành phố. Vì vậy, các ngành chức năng cũng như GHPGVN thành phố cần có những giải pháp nhằm ngăn chặn kịp thời, kiên quyết không để nạn giả danh tu sĩ xin ăn biến tướng làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh trong sáng của tăng đoàn.

Chia sẻ về vấn đề này, Đại đức Thích Thông Đạo, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự GHPGVN thành phố Đà Nẵng cho rằng, từ khi thành phố xây dựng chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, tình trạng lang thang xin ăn giảm mạnh; nhưng sau đó lại nảy sinh tình trạng xin ăn biến tướng tinh vi dưới các hình thức bán hàng rong hay các công việc từ thiện. Tình trạng này ảnh hưởng đến văn hóa, văn minh đô thị mà thành phố đang nỗ lực thực hiện; ảnh hưởng xấu môi trường du lịch.

Theo Đại đức Thích Thông Đạo, thành phố đã có chính sách đưa người xin ăn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để dạy nghề nếu còn sức lao động. Chủ trương này đã hỗ trợ người lang thang cơ nhỡ “cần câu” chứ không phải cho “con cá” như nhiều nhà từ thiện đã làm. Vì vậy, để khắc phục tình trạng xin ăn biến tướng từ công tác từ thiện của Phật giáo, nên chăng các nhà hoạt động từ thiện cần suy ngẫm về việc giúp người có hoàn cảnh khó khăn cái gì cho hiệu quả.

“Chúng ta không thể cứ lấy tiền ra là có thể giải quyết được nỗi khốn khó của người khác mà không quan tâm đến việc giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, khuyên họ tin vào nhân quả mà biết cách vượt qua nghèo khó”, Đại đức Thích Thông Đạo nhấn mạnh.

Thượng tọa Thích Thiện Toàn, Phó Ban Trị sự GHPGVN thành phố, đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm ngăn chặn nạn giả danh tu sĩ Phật giáo khất thực, xin ăn biến tướng trên địa bàn thành phố.

Theo đó, để chấn chỉnh tình trạng này, trước hết cả hệ thống giáo hội, từ chư vị chức sắc, lãnh đạo giáo hội đến cả tăng ni và cư sĩ Phật tử triển khai thực hiện triệt để các giải pháp thì nạn “giả sư” đi khất thực mới có thể được ngăn chặn.

Không nên cho tiền người xin ăn

Theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh, Trưởng ban Văn hóa Ban Trị sự GHPGVN thành phố, hiện ở các chùa Bát Nhã, Linh Ứng, Phổ Đà, Pháp Lâm, Quan Thế Âm... vào các ngày lễ lớn thường xuyên xuất hiện tình trạng xin ăn biến tướng, bán hàng rong, chèo kéo khách... làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến du khách. Những thành phần lang thang xin ăn biến tướng, trộm cắp thường là người địa phương khác đến nên các chùa rất khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý.

Để ngăn chặn tình trạng này, Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho rằng, trước hết, các cơ sở tôn giáo phải tuyên truyền vận động nhằm kêu gọi tất cả các tín đồ, du khách không nên cho tiền, không mua hàng hóa, hương đèn của người bán hàng rong xin ăn biến tướng...

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần bố trí lực lượng chuyên trách “cắm chốt” tại các vị trí trọng điểm và thường xuyên kiểm tra, xử lý quyết liệt các trường hợp tái phạm. Ngoài ra, các ngành chức năng sớm niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại các chùa để người dân, du khách có thể kịp thời thông báo, phản ánh khi phát hiện những đối tượng xin ăn biến tướng, bán hàng rong, lợi dụng trẻ em, người khuyết tật đi buôn bán.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp nhằm xóa bỏ các hoạt động mê tín dị đoan như: việc đốt vàng mã, rải giấy tiền đám tang trên đường phố… nhằm góp phần xây dựng “Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” theo đúng tinh thần Chỉ thị 43-CT/TU của Thành ủy.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

.