Chính trị - Xã hội
Thành lập Văn phòng thừa phát lại, tổ chức đấu giá các khoản nợ xấu
Chiều 9-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) và dự thảo nghị quyết về thực hiện chế định thừa phát lại (TPL).
Chủ trì thảo luận gồm các đoàn: Đà Nẵng, Trà Vinh, Gia Lai, Bắc Kạn, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi, đối tượng áp dụng luật ĐGTS; về đấu giá viên, doanh nghiệp ĐGTS, trung tâm dịch vụ bán ĐGTS; các loại tài sản quy định phải bán thông qua đấu giá; hình thức, phương thức đấu giá; về quyền hạn của thừa phát lại và các dịch vụ do thừa phát lại cung cấp…
Thảo luận Luật ĐGTS, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Huỳnh Nghĩa cho rằng, hoạt động bán đấu giá thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “sân sau” của một số tổ chức, cá nhân; thậm chí tình trạng đối tượng tham gia đấu giá “ảo” nhằm mục đích trục lợi, dẫn đến hoạt động này mang tính hình thức, chưa thực sự thu hút nhiều người quan tâm; nhất là việc đấu giá tài sản công, tài sản thi hành án. Do đó, ĐB cho rằng việc ban hành Luật đấu giá tài sản là hết sức cần thiết nhằm điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trên.
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), ĐB thống nhất báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đề nghị nghiên cứu, thiết kế một số quy định mang tính nguyên tắc điều chỉnh việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Luật này. Vì thực tế thời gian qua, việc xử lý các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại diễn ra chậm. Nợ xấu trong nền kinh tế đã bị VAMC bắt nhốt lại nên hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Điều quan ngại là chúng ta chưa xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, qua 3 năm VAMC mới chỉ bán được 2-3% nợ xấu. Trong đó có nguyên nhân lớn do vướng mắc từ các văn bản pháp luật. Hiện nay, việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật mà tính ổn định chưa cao, vẫn chưa mang tính thị trường.
Xuất phát từ thực tế trên, ĐB cho rằng việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua, bán và xử lý nợ xấu là hết sức quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xử lý nợ xấu thì ngoài việc hoàn thiện các quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố tụng dân sự...
ĐB thống nhất đề nghị nghiên cứu, thiết kế bổ sung thêm một số quy định mang tính nguyên tắc điều chỉnh vấn đề đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trong Luật này.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng), việc tổ chức thí điểm TPL là chủ trương đúng của Quốc hội, phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, ủng hộ đề nghị của Chính phủ về tổ chức định chế TPL trong phạm vi cả nước.
Về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề TPL (Điều 2 Nghị quyết), ĐB Thân Đức Nam cho rằng, quy định tại Khoản 2 còn quá nặng nề về tiêu chí đào tạo nghề. Việc đào tạo các chức danh bổ trợ tư pháp do Bộ Tư pháp thực hiện, nhưng đặt nặng tiêu chí đào tạo nghề ngay cả đối với những người từng là thẩm phán, kiếm sát viên, luật sư, điều tra viên… là không cần thiết, ĐB đề nghị xem xét lại. Về phạm vi hành nghề TPL (Điều 3), ĐB đồng tình việc cho phép TPL thực hiện 4 nội dung là tống đạt văn bản tố tụng, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, đến nay, 53 văn phòng TPL đang tổ chức thí điểm vẫn thực hiện công việc chính là tống đạt văn bản của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, nhưng để phát triển trong tương lai cần tạo điều kiện để TPL tổ chức thi hành án dân sự nhằm giảm áp lực đối với Nhà nước, xã hội hóa các quan hệ dân sự.
ĐB thống nhất Văn phòng TPL (Điều 6) được tổ chức theo hình thức Công ty hợp danh với ít nhất 2 TPL trở lên. Tuy nhiên, theo ĐB, quy định như vậy quá cứng nhắc, không phù hợp với thực tiễn điều kiện khác nhau giữa các địa phương trong cả nước. Do đó, ĐB đề nghị cho phép hoạt động TPL được thực hiện dưới hình thức Văn phòng TPL do một TPL thực hiện như tổ chức Văn phòng luật sư, Văn phòng công chứng…
PHẠM HỮU HOA