Ngày 10-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014.
Phát biểu thảo luận, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, các công ty nông-lâm nghiệp, các ban quản lý rừng được Nhà nước giao quản lý gần 8 triệu héc-ta đất. Đây là nguồn tài nguyên tự nhiên vô cùng quý, nhưng việc tổ chức quản lý chưa hiệu quả. Tình trạng khoán trắng, không quản lý chặt chẽ sau khi giao khoán, dẫn đến xảy ra việc người nhận khoán mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép diễn ra phổ biến.
Tình trạng vi phạm pháp luật đất đai như tranh chấp, lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật còn nhiều. Các công ty lâm nghiệp quản lý hàng triệu ha đất nhưng trong 10 năm chỉ nộp ngân sách nhà nước 276 tỷ đồng. Đại biểu (ĐB) Thân Đức Nam cho rằng, việc quản lý các nông, lâm trường thời gian qua chưa hiệu quả là do kéo dài quá lâu mô hình quốc doanh theo kiểu cũ trong điều kiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.
Theo ĐB, với mô hình quản lý này thì không thể hấp thụ được thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - yếu tố có ý nghĩa quyết định hiệu quả sử dụng đất. Ngay cả cơ chế khoán hộ đất sản xuất cho các nông trường viên cũng khó ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất do quy mô sản xuất nhỏ lẻ và ngay cả khoán trắng theo kiểu “phát canh thu tô”, vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai cũng thể hiện sự bất cập của mô hình kinh tế nông nghiệp hiện nay.
ĐB đề nghị cần làm rõ hơn nguyên nhân sử đụng đất đai kém hiệu quả chính từ sự bất cập của mô hình tổ chức sản xuất. ĐB cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc quản lý, sử dụng gần 8 triệu ha đất nông-lâm nghiệp của các nông, lâm trường chưa hiệu quả là do mô hình tổ chức quốc doanh áp dụng phổ biến đối với tất cả các loại quỹ đất, ở mọi địa bàn khác nhau và đặc điểm sản xuất khác nhau không phù hợp với điều kiện vận hành của cơ chế thị trường.
Theo ĐB, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân thuê đất để sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao, phát huy thế mạnh của nền nông nghiệp nhiệt đới của nước ta. Nhưng doanh nghiệp không tìm ra quỹ đất có quy mô phù hợp để tổ chức thành các trang trại sản xuất sản phẩm nông nghiệp kỹ thuật cao, năng suất cao gắn với công nghiệp chế biến để thuê, trong khi đó quỹ đất nông trường hàng triệu ha sử dụng không hiệu quả.
ĐB ủng hộ chủ trương của Chính phủ tại Nghị định số 118 về sáu mô hình tổ chức sản xuất nông, lâm trường; đồng thời đề nghị không nên duy trì mô hình công ty 100% vốn Nhà nước, mà nên cổ phần hóa, tổ chức thành các công ty cổ phần, khuyến khích các nông trường viên tham gia làm cổ đông của công ty, thu hút các nhà đầu tư khu vực tư nhân tham gia với tư cách nhà đầu tư chiến lược để tổ chức sản xuất. Đối với những nông, lâm trường không có đủ điều kiện để cổ phần hóa thì nên mạnh dạn cho tư nhân thuê để đầu tư phát triển thành những trang trại có quy mô sản xuất lớn, với điều kiện chấp nhận thu hút các nông trường viên làm việc tại doanh nghiệp.
ĐB đề nghị, trong Nghị quyết của Quốc hội cần bổ sung chính sách thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao vào việc khai thác có hiệu quả quỹ đất nông, lâm trường.
PHẠM HỮU HOA