Chính trị - Xã hội

Tiếp tục nâng cao nhận thức về lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT

07:55, 23/11/2015 (GMT+7)

Ba năm đưa Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giai đoạn 2012-2020 đi vào cuộc sống, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là độ bao phủ BHYT toàn dân, BHTN đã vượt mục tiêu của Nghị quyết.

Nhân dịp này, bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy có trao đổi với Báo Đà Nẵng về vấn đề này.

Với 94,2% dân số tham gia BHYT, Đà Nẵng đã về đích sớm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra đến năm 2020 có 80% dân số tham gia BHYT. TRONG ẢNH: Bệnh nhân điều trị dịch vụ y tế kỹ thuật cao tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Với 94,2% dân số tham gia BHYT, Đà Nẵng đã về đích sớm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra đến năm 2020 có 80% dân số tham gia BHYT. TRONG ẢNH: Bệnh nhân điều trị dịch vụ y tế kỹ thuật cao tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

* Thưa bà, bà có thể đánh giá vài nét cơ bản về kết quả thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn thành phố?

- Sau gần 3 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có thể nói, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã ngày càng quan tâm hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai quán triệt, tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã kịp thời có Kế hoạch số 23-KH/BTGTU, ngày 26-6-2013 về tổ chức phổ biến, quán triệt và thực hiện Nghị quyết 21, tham mưu ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 28-5-2013 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020”. UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 8190/KH-UBND ngày 16-9-2013 Triển khai Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Thành ủy.

Các cấp ủy Đảng, Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội, chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn quản lý. Trên cơ sở các quy chế, Chương trình phối hợp được ký kết giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, công tác tuyên truyền được tăng cường đẩy mạnh và duy trì khá tốt với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bảo đảm tính sâu rộng đến tận người dân tại các khu dân cư, người lao động, học sinh, sinh viên... trên địa bàn.

Nhờ đó, nhận thức về việc tham gia BHYT, BHXH, BHTN đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực trong các chủ sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Kết quả đến cuối tháng 9-2015, thành phố Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành vượt mức chỉ tiêu của Nghị quyết về tỷ lệ người dân tham gia BHYT là 94,2% dân số của thành phố, cao hơn mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW đến năm 2020 có 80% dân số tham gia BHYT. Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH bắt buộc đạt 36,9%; người tham gia BHTN chiếm tỷ lệ 35,46%.

Có thể nói, trong điều kiện kinh tế-xã hội địa phương còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, một bộ phận người lao động tự do, nông dân, ngư dân mức sống còn thấp, nhưng tỷ lệ 94,2% dân số của thành phố tham gia BHYT là một minh chứng đầy sức thuyết phục về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị của thành phố, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành BHXH, Y tế thành phố.

* So với chỉ tiêu nêu tại Kế hoạch số 8190/KH-UBND của UBND thành phố, chúng ta vẫn chưa đạt. Đâu là nguyên nhân thưa bà?

- So với chỉ tiêu nêu tại Kế hoạch số 8190/KH-UBND của UBND thành phố chỉ tiêu tham gia BHYT, BHXH, BHTN lần lượt là: 95%, 45%, 40%, thì kết quả đạt được của thành phố như đã nêu trên mặc dù là cao so với mặt bằng chung cả nước, nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.

Có thể nêu một số nguyên nhân chính, đó là: Việc phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác BHXH, BHYT tuy đã được quan tâm đẩy mạnh hơn trước nhưng chưa được sâu rộng, thường xuyên. Một số hạn chế trong việc chủ động, phối hợp tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể vẫn chưa được khắc phục.

Nhận thức của một bộ phận chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân về BHXH, BHYT còn hạn chế. Một số chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động hoặc chỉ tham gia cầm chừng mang tính đối phó, một số khác cố tình chiếm dụng, không trích đóng, để nợ đọng BHXH, BHYT số tiền lớn, thời gian kéo dài.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp không thực hiện đóng theo Luật BHXH về tỷ lệ đóng theo quy định mà buộc người lao động phải đóng toàn bộ làm cho người lao động rất khó khăn trong việc tham gia BHXH, BHYT, từ đó họ không được hưởng  quyền lợi BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật, vẫn đang là vấn đề nan giải ở nhiều doanh nghiệp và của ngành BHXH, Y tế.

* Như vậy để đạt mục tiêu của thành phố đã đề ra công tác tuyên truyền về BHYT, BHXH, BHTN cần phải đẩy mạnh hơn nữa?

- Tiếp tục đưa Nghị quyết 21-NQ/TW thật sự đi vào cuộc sống, bảo đảm đạt và duy trì bền vững các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra, còn nhiều việc phải làm và tiếp tục cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị của thành phố. Đặc biệt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH phải thực hiện thường xuyên, đa dạng, có sức thu hút, thuyết phục hơn, giúp người dân dễ hiểu, dễ nắm bắt, dễ tham gia.

Công tác tuyên truyền tập trung vào người sử dụng lao động, người lao động và đi vào từng khu dân cư, với yêu cầu đặt ra là làm sao cho mọi người dân, người lao động... nhận thức sâu sắc được mục đích, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT và coi đó là 2 trụ cột trong chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta; từ đó sẽ tạo niềm tin, khơi dậy ý thức tự giác của các đối tượng trong tham gia BHYT, BHXH, BHTN khi họ đã nhận thức được lợi ích và ý nghĩa về nghĩa vụ trong thực hiện các chính sách này.

Một kênh tuyên truyền hiệu quả khác là hệ thống các cơ quan báo chí và phương tiện thông tin đại chúng của thành phố. Các cơ quan báo chí của thành phố cần tập trung tuyên truyền những mô hình, cách làm hiệu quả trong vận động thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH, BHTN, đồng thời phê phán, đấu tranh với những trường hợp trốn, né tránh thực hiện nghĩa vụ tham gia BHYT, BHXH, BHTN hoặc những hình thức đối phó chỉ tham gia với mức lương tối thiểu gây thiệt thòi quyền lợi cho người lao động.

* Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn.

SƠN TRUNG thực hiện

.