Chính trị - Xã hội

Vận động doanh nghiệp Đức, Nhật Bản đầu tư vào khu công nghệ cao Đà Nẵng

07:43, 11/11/2015 (GMT+7)

* Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn hợp tác với Đà Nẵng

Chiều 9-11, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Cộng hòa Liên bang Đức, đoàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng do Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí dẫn đầu đến chào Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí thông báo khái quát tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng và 3 hướng đột phá kinh tế-xã hội của thành phố trong giai đoạn 2015-2020 mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố đã đề ra; đồng thời đề nghị Đại sứ quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp Đức đến đầu tư tại Đà Nẵng.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đánh giá cao sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là sự năng động của lãnh đạo thành phố trong thời gian qua. Chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong công tác xúc tiến, vận động đầu tư, Đại sứ cho rằng Đà Nẵng cần tập trung vận động đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp Đức có thế mạnh như cơ khí chính xác, thiết bị y tế, công nghệ thông tin, logictics… Đại sứ Đoàn Xuân Hưng sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố để tìm kiếm và mời gọi các đối tác đầu tư tiềm năng phù hợp với sự phát triển của thành phố trong thời gian tới.

● Chiều cùng ngày, đoàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Berlin (IHK Berlin) nhằm giới thiệu về tiềm năng phát triển và môi trường đầu tư của thành phố, trao đổi về khả năng hợp tác giữa hai bên, tạo cơ hội thiết lập và củng cố quan hệ giữa thành phố Đà Nẵng và Berlin.

Ông Sami Bettaieb, Trưởng Bộ phận Thị trường Quốc tế thuộc IHK Berlin cho biết, IHK Berlin có 275.000 công ty hội viên hoạt động trong tất cả các lĩnh vực, là Phòng Thương mại và Công nghiệp (TMCN) cấp bang lớn nhất trong số 80 Phòng TMCN thuộc hệ thống Phòng TMCN Đức. Phần lớn các doanh nghiệp hội viên của IHK Berlin là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế của Berlin (số lượng lao động chiếm 70% số lao động tại Berlin, hợp đồng đào tạo nghề chiếm 83%, giá trị gia tăng thuần chiếm tới 74%).

Hiện nay, thành phố Berlin có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn tỷ lệ tăng trưởng bình quân chung của toàn nước Đức và đang nổi lên là một trung tâm khởi nghiệp hàng đầu ở châu Âu, mỗi năm tạo ra 250.000 việc làm mới và có khoảng 45.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Để trở thành một trong những đô thị hiện đại hàng đầu châu Âu, chiến lược của Berlin là tập trung phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với mô hình các cụm công nghệ (technology clusters), thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ các nước tới làm việc và sinh sống tại thành phố.

Hiện Berlin có 38 trường đại học, 22 khu công nghệ và 70 viện nghiên cứu. 5 cụm công nghệ cao đã được quy hoạch và phát triển trong 5 lĩnh vực chủ chốt: công nghiệp y tế, công nghệ thông tin - truyền thông, giao thông và logistics, công nghiệp quang học và công nghiệp năng lượng. Các khu công nghệ cao này thu hút khoảng 100.000 doanh nghiệp đang hoạt động với 830.000 lao động và doanh thu hằng năm đạt 125 tỷ USD. Berlin thu hút khoảng 12 triệu lượt du khách mỗi năm, chỉ sau Paris và London.

Thay mặt đoàn công tác của Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng giới thiệu khái quát tình hình kinh tế-xã hội của Đà Nẵng và những lợi thế của thành phố trong thu hút đầu tư. Ông nhấn mạnh CHLB Đức được xác định là thị trường trọng điểm ở châu Âu; thành phố Đà Nẵng đang tập trung vận động các nhà đầu tư Đức đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; thế mạnh của các doanh nghiệp Đức tại Berlin rất phù hợp với định hướng kêu gọi đầu tư của Đà Nẵng. Ông đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Berlin trong thời gian qua, đặc biệt là những kinh nghiệm về phát triển các mô hình kinh tế chiến lược và phong trào khởi nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị IHK Berlin hỗ trợ quảng bá về thành phố Đà Nẵng với các doanh nghiệp Đức, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại như giới thiệu và tổ chức các đoàn doanh nghiệp Đức đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại thành phố, trao đổi thông tin và kết nối doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư, thương mại thông qua các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm…; tạo thuận lợi cho các đoàn công tác của Đà Nẵng khảo sát các khu công nghệ cao điển hình tại Berlin và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chương trình khởi nghiệp.  

Ông Sami Bettaieb bày tỏ vui mừng được đón tiếp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến làm việc và đặt quan hệ hợp tác với IHK Berlin. Ông nhận thấy hai thành phố có nhiều điểm chung trong mục tiêu phát triển thành các thành phố thông minh và đáng sống. Ông cam kết trong phạm vi chức trách của mình, IHK Berlin sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ thành phố trong các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng cường thu hút các doanh nghiệp Đức đến Đà Nẵng cũng như thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của thành phố trong thời gian đến.

● Trong ngày làm việc thứ hai của chuyến công tác tại Nhật Bản, sáng 10-11, đoàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ dẫn đầu có buổi gặp gỡ và làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren). Ông Nakamura Kuniharu, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt-Nhật, Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo và ông Takahashi Kyohei, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt-Nhật, Chủ tịch Tập đoàn Showa Denko cùng với gần 20 doanh nghiệp thành viên của Keidanren tiếp và làm việc với đoàn.

Keidanren đánh giá cao vai trò của thành phố Đà Nẵng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt là thông qua việc khai thác vị trí chiến lược của Đà Nẵng trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây và trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Keidanren cũng rất trân trọng sự giúp đỡ, hợp tác của chính quyền thành phố trong việc tạo điều kiện cho đoàn doanh nghiệp của Keidanren khảo sát thành công môi trường đầu tư tại Đà Nẵng vào đầu tháng 11 vừa qua. Hiện nay, Keidanren đang tích cực tham gia vào việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp hóa, công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực…

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ giới thiệu môi trường đầu tư và những thành tựu kinh tế-xã hội mà thành phố đạt được trong thời gian qua, khẳng định trong chiến lược hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư của mình, thành phố Đà Nẵng xác định các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản là những đối tác chiến lược và lâu dài.

Tuy nhiên, hiện nay đầu tư của Nhật Bản vào Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn, Chủ tịch UBND thành phố mong muốn trong tương lai sẽ cùng phối hợp với Keidanren tìm ra các giải pháp đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, qua đó thúc đẩy dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Đà Nẵng. Các lĩnh vực Đà Nẵng đang ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ như y tế, giáo dục, du lịch…

Tại buổi làm việc, Công ty Fuji Electric bày tỏ mong muốn được hợp tác với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng trong lĩnh vực bảo đảm nguồn điện, Tập đoàn Sapporo International Inc. mong muốn hợp tác về hoạt động phân phối sản phẩm bia tại thị trường Đà Nẵng, Tập đoàn Sumitomo mong muốn hợp tác về phát triển hạ tầng, Tập đoàn Kajima mong muốn hợp tác về dự án Nhà máy cấp nước Hòa Liên…
Keidanren là liên đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản với thành viên gồm 1.329 đại diện các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, 109 hiệp hội công nghiệp toàn quốc và 47 tổ chức kinh tế khu vực.

Buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Tài chính Nhật Bản về việc hợp tác với tập đoàn này để giới thiệu Đà Nẵng đến với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Nhật Bản, là khách hàng vay vốn của tập đoàn.

P.V

.