Chính trị - Xã hội

Kết quả giải quyết kiến nghị bức xúc của cử tri

08:05, 07/12/2015 (GMT+7)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND thành phố về báo cáo kết quả thực hiện những kiến nghị bức xúc của cử tri trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố khóa VIII, UBND thành phố báo cáo một số nội dung cụ thể như sau:

1. Hiện nay, nhiều vòng xoay bùng binh trên địa bàn thành phố (bùng binh Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, bùng binh chân cầu Tiên Sơn) xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm nhưng chưa có đèn tín hiệu giao thông. Đề nghị thành phố quan tâm lắp đặt đèn tín hiệu giao thông và có biện pháp nhằm giảm thiểu giao thông ở những điểm này. (Cử tri quận Hải Châu)

Trả lời:

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp ngày 2-12-2015, lãnh đạo UBND thành phố đã có chủ trương:

- Thống nhất xây dựng nút giao khác mức, cải tạo nút giao tại các vị trí nêu trên trong dự án BRT, thi công năm 2016.

- Giao Sở Giao thông vận tải tiến hành lắp đặt đèn nhấp nháy ánh sáng vàng kết hợp biển cảnh báo bằng đèn LED có nội dung “Chú ý quan sát”, theo chủ trương của UBND thành phố tại Công văn số 9111/UBND-QLĐTh ngày 17-11-2015, hoàn thành trong tháng 12-2015.

- Cho phép cấm xe rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc lưu thông trên đường Điện Biên Phủ - đoạn từ Hà Huy Tập đến Nguyễn Tri Phương và đường Nguyễn Tri Phương - đoạn từ Điện Biên Phủ đến Duy Tân từ 5 giờ đến 23 giờ hằng ngày.

2. Dự án đường Trương Định, Lê Văn Thứ kéo dài quá lâu, 2 tuyến đường này giống nhau, nằm cùng khu vực nhưng thành phố đầu tư khác nhau gây bất bình trong nhân dân (dự án đường Trương Định Nhà nước và nhân dân cùng làm; dự án đường Lê Văn Thứ do Nhà nước đầu tư 100%). Đề nghị UBND thành phố đầu tư 100% dự án đường Trương Định như dự án đường Lê Văn Thứ và sớm triển khai thi công. (Cử tri quận Sơn Trà)

Trả lời:

- Đường Lê Văn Thứ gồm 2 đoạn:

+ Đoạn 1 (từ đường Hồ Nghinh đến Võ Nguyên Giáp): Hiện trạng là đường đất rộng khoảng 1,5m thuộc dự án Khu An Cư 5 đang được đầu tư để khớp nối giao thông ra đường Võ Nguyên Giáp và hoàn thành HTKT để bố trí tái định cư cho các hộ bị giải tỏa. Hiện nay đang thực hiện công tác đền bù giải tỏa.  

+ Đoạn 2 (từ đường Phó Đức Chính đến đường Hồ Nghinh): Hiện trạng là đường nhựa rộng khoảng 5m, UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 7996/QĐ-UBND ngày 29-10-2015, kinh phí đầu tư 13,685 tỷ đồng (trong đó chi phí đền bù hỗ trợ thu hồi đất dự kiến 4,585 tỷ đồng). Hiện nay, Ban Quản lý Dự án Xây dựng số 2 đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan để trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.

- Đường Trương Định được quy hoạch với lộ giới 20,5m, gồm 2 đoạn:

+ Đoạn 1: Nằm trong phạm vi thực hiện dự án Khu dân cư Mân Thái 2 mở rộng do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, đã được đầu tư xây dựng theo đúng lộ giới được duyệt nhằm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật (HTKT) để bố trí tái định cư cho các hộ bị giải tỏa.

+ Đoạn 2 (Đoạn còn lại nối ra đường Ngô Quyền và nối ra đường Hoàng Sa): Dài 508m theo lộ giới được duyệt phải thu hồi 2.900m2 đất ở, có khoảng 82 hộ nằm trong diện đền bù giải tỏa, trong đó có 8 hộ đi hẳn.

Tuy nhiên, do kinh phí đền bù lớn, chưa phù hợp với điều kiện ngân sách thành phố hiện nay nên UBND thành phố đã cân nhắc lựa chọn phương án phân kỳ đầu tư với chiều rộng 13,5m (quản lý quy hoạch theo lộ giới 20,5m). Đền bù theo phương án “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; giao UBND quận Sơn Trà triển khai vận động nhân dân, khi vận động đủ 80% số hộ thuộc diện giải tỏa đồng ý chủ trương và tự nguyện thực hiện thì tiến hành xây dựng (Công văn số 2737/UBND-QLĐTư ngày 25-4-2012).

Tuy nhiên do đa phần các hộ dân trên tuyến không thống nhất với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nên đến nay công trình vẫn chưa thể triển khai nâng cấp.

Hiện nay, do điều kiện ngân sách thành phố chưa được thuận lợi, việc đầu tư các đoạn đường còn lại nêu trên với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và quy mô mặt cắt ngang đường theo hiện trạng là để tiết kiệm chi phí đầu tư và nhằm chỉnh trang đô thị, giải quyết vấn đề thoát nước, khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Đề nghị UBND quận Sơn Trà kiểm tra, rà soát, đề xuất phương án đền bù đảm bảo tính thống nhất trong khu vực dự án; đồng thời tiếp tục vận động nhân dân trong khu vực sớm thống nhất phương án đền bù giải tỏa để triển khai dự án theo đúng tiến độ yêu cầu.

3. UBND thành phố đã có kế hoạch khởi công xây dựng cống thoát nước khu dân cư tổ 12 phường Mân Thái vào tháng 11-2015 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thi công. Đề nghị thành phố quan tâm xây dựng và khớp nối các hệ thống cống thoát nước ra biển để nhân dân khỏi sống trong tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường. (Cử tri quận Sơn Trà)

Trả lời:

Hạng mục Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư tổ 12, phường Mân Thái thuộc danh mục các công trình bổ sung vào dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng. Ngày 27-11-2015, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 9324/UBND-QLĐTư, theo đó bổ sung hạng mục Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tổ 12 phường Mân Thái vào hợp đồng 3.2. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai thi công.

4. Đề nghị UBND thành phố trả lời cho nhân dân được biết là dự án di dời ga Đà Nẵng ra khỏi nội thị có triển khai không? (Cử tri quận Thanh Khê)

Trả lời:

Việc triển khai dự án Di dời ga đường sắt, UBND thành phố đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai theo đúng quy hoạch tổng thể phát triển ngành Giao thông vận tải, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013. Tuy nhiên, trong điều kiện đang thực hiện công tác tái cơ cấu đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải hiện nay chưa thể bố trí kinh phí triển khai dự án.

Tại cuộc họp tháng 8-2015 giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, báo cáo phương án triển khai dự án theo hình thức đối tác công tư trong quý IV năm 2015. UBND thành phố sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tiếp tục theo dõi tiến độ triển khai và đề xuất UBND thành phố xem xét tiếp tục làm việc với Bộ, ngành Trung ương để sớm triển khai dự án.

5. Dự án Công viên Văn hóa quận Ngũ Hành Sơn: cử tri mong muốn được giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư sớm để ổn định cuộc sống. (Cử tri quận Ngũ Hành Sơn)

Trả lời:

Đây là dự án có sự ảnh hưởng lớn đến diện mạo của quận Ngũ Hành Sơn về tâm linh, du lịch và sự phát triển kinh tế-xã hội. Dự án hoàn thành sẽ là sản phẩm du lịch tốt của thành phố. Tuy nhiên, do dự án có quy mô và kinh phí đầu tư rất lớn (dự kiến giải tỏa khoảng 1.500 nhà, 176 thửa đất nông nghiệp, khoảng 2.450 lô đất và 340 căn hộ chung để bố trí tái định cư).

Hơn nữa, trong những năm qua nguồn ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn nên UBND thành phố đã xác định đầu tư trọng tâm, trọng điểm trước các trục đường giao thông chính (Lê Văn Hiến, Huyền Trân Công Chúa, Sư Vạn Hạnh, Trần Hưng Đạo nối dài, Non Nước, Nguyễn Duy Trinh, Trục cảnh quan phía Bắc Khu du lịch Sao Việt, đã giải tỏa 449 hộ) để từng bước hình thành khu Công viên văn hóa-lịch sử Ngũ Hành Sơn.

Trong năm 2015, UBND thành phố tiếp tục bố trí 15 tỷ đồng trình HĐND thành phố thông qua để tập trung giải tỏa dứt điểm khu vực phía Bắc đường Huyền Trân Công Chúa, khu hòn Thủy Sơn. Các khu vực còn lại, UBND thành phố sẽ tiếp tục cân đối trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.

UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra, xem xét tạo điều kiện cho người dân sửa chữa nhà ở, làm nhà tạm để ổn định cuộc sống.

Đồng thời nghiên cứu quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất bố trí tái định cư khi dự án được triển khai đầu tư, cùng với việc xúc tiến thu hút, kêu gọi đầu tư tham gia thực hiện dự án theo Thông báo số 106/TB-UBND ngày 26-4-2014 (Thông báo số 183/TB-UBND ngày 21-9-2015)

6. Đề nghị UBND thành phố có phân kỳ đầu tư để thu hồi diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng từ các dự án. (Cử tri quận Ngũ Hành Sơn)

Trả lời:

Việc giải quyết hỗ trợ đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đã chỉ đạo giải quyết từ các năm trước năm 2015.

Trong năm 2015, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 8453/QĐ-UBND ngày 11-11-2015 phê duyệt giá trị hỗ trợ cho các hộ có đất nông nghiệp không sản xuất được, do ảnh hưởng từ các dự án trên địa bàn thành phố, với tổng diện tích bị ảnh hưởng là 111,324ha và tổng kinh phí hỗ trợ là 3,340 tỷ đồng.

Việc phân kỳ đầu tư để thu hồi diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng từ các dự án phụ thuộc vào mục đích, yêu cầu việc đầu tư của từng dự án, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố.

7. Đề nghị thành phố bố trí vốn giải tỏa dự án Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân, 84 hộ dân tổ 44, 45 dự án khu đất dự trữ ven sông Cẩm Lệ và bố trí vốn thi công để dự án hoàn thành đúng tiến độ. (Cử tri quận Cẩm Lệ)

Trả lời:

- Đối với dự án Khu Liên hợp thể thao Hòa Xuân:

Đầu năm 2015, UBND thành phố đã bố trí 47 tỷ đồng để thực hiện chi trả đền bù cho các hộ dân có nhà. Do tính bức xúc của dự án, trong 6 tháng cuối năm 2015, UBND thành phố tiếp tục bố trí 16,938 tỷ đồng để chi trả đền bù (tổng số vốn năm 2015 cấp cho dự án là 63,938 tỷ đồng).

Với nhu cầu kinh phí còn lại khoảng 35 tỷ đồng, UBND thành phố đang cân đối, trình HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm 2015 để bổ sung kế hoạch vốn năm 2016, chi trả dứt điểm dự án này.

Đối với dự án Khu đất dự trữ ven sông Cẩm Lệ:

Về đất ở: Có 284 hồ sơ đất ở có nhà (trong đó 81 hồ sơ có nhà đang ở thực sự) và 26 hồ sơ đất trống;
Về đất nông nghiệp: có 134 hồ sơ.

Nhu cầu tái định cư: 345 lô đất.

Tổng kinh phí đền bù: 95,183 tỷ đồng.

Kinh phí để đền bù 81 hồ sơ có nhà đang ở thực sự là 35 tỷ đồng.

UBND thành phố đang cân đối trình HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm 2015, bố trí kế hoạch vốn đền bù năm 2016 để chi trả trước 81 hồ sơ có nhà đang ở thực sự (trước mắt ưu tiên bố trí 20 tỷ đồng). Nguồn kinh phí còn lại UBND thành phố tiếp tục cân đối vốn khi chi trả hết số vốn đã bố trí.

(Còn nữa)

UBND thành phố Đà Nẵng

.