Chính trị - Xã hội
Khởi sắc trên đất nước Triệu Voi
Trong suốt 40 năm gìn giữ và phát triển đất nước, đặc biệt kể từ thời kỳ đổi mới toàn diện của Đảng năm 1986 đến nay, đất nước Lào đã phát triển về mọi mặt. Tình hình chính trị, xã hội ổn định, kinh tế phát triển không ngừng và bền vững, người dân có cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Một góc That Luang ở thủ đô Vientiane - biểu tượng của đất nước Lào. |
Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển trong 40 năm qua, có thể khẳng định, chưa giai đoạn nào trong lịch sử, đất nước Lào phát triển toàn diện như ngày nay.
Về chính trị, nhân dân các bộ tộc Lào đã đoàn kết một lòng đứng dưới bóng cờ của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào quang vinh, chung tay xây dựng Lào trở thành một nước có nền chính trị ổn định trên thế giới.
Nền kinh tế đất nước cũng đã có sự phát triển vượt bậc. Nếu năm 1980, GDP bình quân đầu người của Lào chỉ đạt 118 USD/người, thì đến năm 2015, con số này là trên 1.800 USD/người.
Điều này đã góp phần làm giảm mạnh tỷ lệ nghèo trên cả nước. Đến nay, Lào đã cơ bản hoàn thành công tác xóa nghèo cho nhân dân. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm liên tục, từ 22,2% năm 2008 xuống còn 8,11% năm 2014.
Trong các năm 2014-2015, kinh tế Lào tăng trưởng ở mức độ trung bình 7,5%/năm. Hiện nay, cả nước Lào thu hút hơn 357 dự án đầu tư nước ngoài với giá trị đầu tư là 9 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 160.000 lao động.
Sản xuất nông - lâm nghiệp luôn đạt mức tăng trưởng cao, nhất là sản xuất lúa gạo đã đáp ứng nhu cầu cơ bản của xã hội và có nguồn dự trữ làm hàng hóa. Năm 2013, sản xuất lúa gạo đạt 3,5 triệu tấn (so với 1980 chỉ có 1 triệu tấn).
Một trong những thành tựu quan trọng đóng góp tích cực cho sự phát triển của Lào trong 40 năm qua đó là ngành năng lượng - mỏ.
Năm 1975, Lào chỉ có 1 đập thủy điện, nhưng đến năm 2015, đã có 30 đập thủy điện; mỗi năm có thể sản xuất được 5.205 MW, đáp ứng dòng điện tiêu thụ cho người dân cả nước và bán ra nước ngoài.
Hằng năm, việc khai thác mỏ như: mỏ vàng, thạch cao, đồng, than, chì, đá vôi… tăng lên, trung bình 15-20%/năm.
Ngoài ra, một số cơ sở công nghiệp cũng đã chuyển đổi, xây dựng và phát triển vượt bậc. Trong đó, có 60 khu công nghiệp trên phạm vi cả nước với diện tích 19.838ha.
Song song đó, ngành thông tin - viễn thông phát triển vượt bậc. Đặc biệt, ngày 21-11 vừa qua, Cộng hòa DCND Lào đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo.
Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, ngành giao thông vận tải và đường sá cũng có những bước chuyển biến tích cực hơn để đáp ứng việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Lào hiện có tuyến đường kết nối liên khu vực, tuyến đường hành lang kinh tế Đông - Tây, Bắc - Nam; tuyến đường sắt Lào - Thái Lan và đang tiến hành xây dựng dự án đường sắt siêu tốc Lào - Trung Quốc có chiều dài 430 km.
Vận tải hàng không đã được nâng cấp và cải tiến hiện đại hơn để trở thành sân bay quốc tế, riêng sân bay quốc tế Wattay, thủ đô Vientiane có thể đón máy bay Boeing 747 hạ cánh.
Những năm qua, Lào đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục bao gồm cả hệ thống đào tạo nghề và các trường đại học.
Hệ thống trung cấp và bồi dưỡng cũng đã được mở rộng đến các vùng nông thôn xa xôi. Đồng thời, chất lượng giảng dạy và học tập được nâng cao, có sự thay đổi tích cực hơn so với trước đây.
Năm 1975, tỷ lệ mù chữ chiếm 90% dân số nhưng hiện nay, có đến 95% dân số được phổ cập bậc tiểu học.
Cùng với giáo dục, Chính phủ Lào đã tập trung phát triển và mở rộng hệ thống y tế đến khắp các vùng nông thôn. Hiện nay, trên cả nước có 5 bệnh viện trung tâm, 16 bệnh viện tỉnh, 130 bệnh viện huyện, 894 trạm y tế. 98% người dân cả nước có thể sử dụng dịch vụ y tế chất lượng.
Lĩnh vực văn hóa và du lịch của Lào cũng có sự tăng trưởng ấn tượng. Năm 2012, đất nước Lào có 1.493 địa điểm du lịch được đăng ký, trong đó có các địa điểm du lịch được công nhận là di sản thế giới như: Luang Phrabang và Wat Phu Champasak.
Lượng du khách quốc tế đến Lào nhiều hơn 3,3 triệu lượt người, doanh thu trên 513 triệu USD. Năm 2013, Lào đã nhận giải thưởng “Quốc gia đáng du lịch nhất thế giới” do Hội đồng Du lịch và Thương mại EU bình chọn.
Thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị, đến nay, Lào có quan hệ ngoại giao với 138 quốc gia, hợp tác kinh tế với hơn 50 quốc gia trên thế giới, có mối quan hệ hợp tác với 171 hiệp hội, tổ chức quốc tế từ 21 quốc gia.
Hiện Lào là thành viên của Liên Hợp Quốc, ASEAN, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác… Lào cũng đã tham gia vào các điều ước quốc tế trong các khu vực kinh tế - thương mại, du lịch và đang chuẩn bị gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.
Đến năm 2020, Lào phấn đấu thoát khỏi tình trạng kém phát triển và đạt được Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ MDGs vào năm 2025.
Trong suốt chặng đường 40 năm gìn giữ và xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, có thể khẳng định, đất nước Lào đã vượt qua mọi khó khăn và thách thức, giành thắng lợi to lớn và quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Nhân dân các bộ tộc Lào đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng. Người dân có quyền tự do và dân chủ, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện tốt hơn. Với những thành quả đạt được, đất nước Lào đang ngày càng nâng cao vị thế, vai trò và sự ảnh hưởng nhất định ở tầm khu vực và trên thế giới.
Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ