Chính trị - Xã hội
Quyền con người, quyền làm chủ nhân dân tiếp tục được đề cao
Sau khi Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi) và Luật Trưng cầu ý dân vừa được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành cao, cử tri thành phố đánh giá cao các quy định mới bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền công dân.
Luật sư Đỗ Pháp: Thể hiện rõ quyền làm chủ của nhân dân
Tôi đánh giá rất cao khi Quốc hội đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân với tỷ lệ phiếu khá cao. Một trong những đặc trưng rất lớn là sự quan tâm nhiều hơn đến những thể chế liên quan đến quyền cơ bản của con người.
Dự án Luật trưng cầu ý dân đã thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Thông qua hình thức dân chủ này, người dân được trực tiếp tham gia vào việc hoạch định các chính sách, quyết sách lớn của đất nước, có thể hiểu là tham gia quản lý Nhà nước.
Có thể coi đây là một phương thức hữu hiệu trong hoạt động quản lý, điều hành của đất nước và điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Đối với Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi), theo tôi Luật đã quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.
Luật góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền hành chính quốc gia.
Trần Vĩnh Tiến (Sinh viên Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng): Thể hiện dân chủ, nhân văn
Việc cho phép chuyển đổi giới tính quy định trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là bước tiến mới trong công tác xây dựng pháp luật, thể hiện dân chủ, nhân văn.
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Nhiều ý kiến bày tỏ quan niệm rằng, việc cho phép chuyển giới không phù hợp với văn hóa người Việt. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy nhu cầu chuyển đổi giới tính là cần thiết với một bộ phận trong xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền được chăm sóc sức khỏe và đáp ứng hội nhập quốc tế của quá trình xây dựng pháp luật.
Quan sát thực tế cho thấy, về yếu tố tâm lý thông thường, những người có vấn đề về giới tính khi chưa được xã hội thừa nhận, cho phép chuyển giới, họ thường bị kỳ thị xa lánh và phân biệt, từ đó dễ rơi vào trạng thái bị cô lập, làm nảy sinh hành vi tiêu cực, thậm chí là phạm tội. Nhưng nay luật cho phép họ đã được là chính mình, tâm lý nặng nề sẽ dần được cởi bỏ, bản thân họ sẽ ý thức rõ về mình và thực hiện các hành vi tích cực, qua đó giúp ích cho xã hội.
V.D ghi