Chính trị - Xã hội
Minh bạch chủ trương đầu tư, giải quyết vấn đề xã hội bức xúc
Chiều 8-12, kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa VIII chia thành 3 tổ để thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2016. Đa số các ý kiến tập trung vào giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo nguồn thu ngân sách, an toàn giao thông...
Các đại biểu thảo luận tại tổ. |
Thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế
“Phải minh bạch chủ trương đầu tư cho người dân được biết, đặc biệt là các dự án lớn như quy hoạch phát triển hai bờ sông Hàn và trên sông Hàn. Chủ trương xã hội hóa là đúng, cần thiết nhưng cũng phải công khai rõ lĩnh vực nào thành phố cần xã hội hóa, doanh nghiệp nào tham gia xã hội hóa”, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Mai Đức Lộc nêu ý kiến khi đánh giá việc thu hút đầu tư của thành phố còn nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn đến tốc độ tăng thu ngân sách quá chậm.
ĐB so sánh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam năm đầu chia tách đơn vị hành chính năm 1997, thu ngân sách lúc đó của Quảng Nam chỉ đạt 100 tỷ đồng, đến nay tăng lên 10.000 tỷ đồng.
Thu ngân sách Đà Nẵng lúc mới chia tách đạt 1.000 tỷ đồng, đến nay đạt 13.5000 tỷ đồng. Từ so sánh này, thành phố cần nghiêm túc đánh giá lại hiệu quả thu hút đầu tư để làm mới môi trường đầu tư của thành phố, trong đó vấn đề hàng đầu là cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư.
ĐB Huỳnh Nghĩa nhận định, tính công khai, minh bạch của Đà Nẵng yếu và đặt câu hỏi tại sao có những dự án mà HĐND thành phố không biết, không bàn để làm cho đúng Luật Đầu tư?
Nhiều ĐB khác đồng tình với đánh giá thu hút đầu tư của thành phố còn nhiều hạn chế, quy mô đầu tư nhỏ. Tình hình ngân sách thành phố từ sau năm 2016 sẽ rất căng thẳng vì Đà Nẵng sẽ bắt đầu phải trả nợ nguồn vốn vay trái phiếu Chính phủ, năm đầu tiên là 1.500 tỷ đồng. Việc này sẽ gây áp lực lớn cho nguồn thu ngân sách.
Theo ĐB Ngô Tấn Cư, bình quân một dự án đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng chỉ có số vốn 1,85 triệu USD là không lớn.
Đã đến lúc thành phố không nên đếm số lượng dự án FDI nữa mà tính đến quy mô, chất lượng đầu tư và hiệu quả đóng góp ngân sách. Một số ý kiến phản ánh, mặc dù Đà Nẵng xếp thứ nhất về cải cách hành chính nhưng vẫn còn tình trạng nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài bị phiền hà bởi thủ tục hành chính và thái độ của công chức.
Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố, cho rằng hiện các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố cơ bản đã được lấp đầy, trong khi đó các nhà đầu tư có quy mô lớn muốn vào Đà Nẵng đều yêu cầu rất cao từ khâu quy hoạch quỹ đất, cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp phụ trợ…
Ngoài ra, việc thu hút đầu tư thấp một phần là do bộ máy còn chồng chéo, rườm rà… dẫn đến việc ách tắc các dự án muốn đầu tư vào Đà Nẵng. Cần phải có “thuyền trưởng” để giải quyết ngay những vướng mắc, bất cập của các nhà đầu tư muốn vào Đà Nẵng làm ăn.
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: V.NỞ |
Việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU chưa triệt để
Liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU, ĐB Đỗ Thị Kim Lĩnh nêu những vấn đề chưa giải quyết triệt để trong năm 2015. Theo đó, tình trạng xả nước thải ra biển làm ảnh hưởng môi trường du lịch vẫn tái diễn; nạn chèo kéo du khách chưa được ngăn chặn triệt để.
Từ thông tin do Công an thành phố cung cấp, hiện thành phố có 432 phụ nữ dính vào tệ nạn đánh bạc. ĐB đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ số phụ nữ này có việc làm, tạo thu nhập ổn định và từ bỏ cờ bạc như đã giúp đỡ đối tượng hộ nghèo, thanh - thiếu niên hư.
Cùng chủ đề văn hóa, văn minh đô thị, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Lê Văn Sơn phản ánh tình trạng thiếu nhà họp tổ, thiếu khu vui chơi giải trí trên địa bàn quận. Ông Sơn đề nghị nên phân cấp cho địa phương quản lý vỉa hè có thu phí để bảo đảm trật tự đô thị tốt hơn.
ĐB Huỳnh Phước đề nghị triển khai đồng bộ và xử lý dứt điểm việc di dời mồ mã để tránh gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. ĐB Nguyễn Quốc Bình kiến nghị thành phố cần chủ động bố trí kinh phí phòng, chống ma túy vì đến năm 2019, Chính phủ sẽ ngừng cấp kinh phí cho phòng, chống ma túy mà giao cho địa phương thực hiện.
Xây thêm trường mới, ưu tiên khám chữa bệnh cho phụ nữ nghèo
Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Vũ Hùng đánh giá việc đầu tư hạ tầng để học sinh tiểu học cơ bản được học 2 buổi/ngày khá tốt nhưng đa số các trường học là nâng cấp, xây thêm phòng học chứ ít xây mới.
Việc xây thêm phòng học làm mất chuẩn của trường học. ĐB đề nghị thành phố nên bố trí một số diện tích đất của các cơ quan hành chính đã chuyển vào Trung tâm Hành chính thành phố để xây trường học.
Một số ý kiến đồng tình với ĐB Hùng nên xây mới trường học, giảm sỉ số học sinh/lớp mới, đáp ứng yêu cầu dạy học theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
ĐB Nguyễn Thị Anh Đào đề nghị thành phố cần nghiên cứu chính sách đối với Bệnh viện Phụ nữ để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Theo ĐB Đào, trước đây xây dựng Bệnh viện Phụ nữ, thành phố vận động phụ nữ nghèo đóng góp 10.000 đồng/người với tổng số tiền lên đến khoảng 3 tỷ đồng nhưng khi đi khám, bệnh nhân nghèo vẫn chưa được hưởng nhiều chính sách ưu đãi.
ĐB đề nghị thành phố nên quy hoạch đội ngũ quản trị bệnh viện vì hiện nay người giỏi chuyên môn kiêm quản trị bệnh viện nên rất vất vả và phân tán công việc chuyên môn.
Tăng cường giám sát trật tự an toàn giao thông
Một số ĐB cho rằng, thành phố mới có gần 1 triệu dân nhưng đã có biểu hiện kẹt xe, ách tắc giao thông. Do vậy, cần dự báo sớm và quy hoạch sớm hệ thống giao thông ngầm và đường trên cao cho tương lai. Trước mắt, cần quan tâm đầu tư giao thông tĩnh là các cầu vượt cho người đi bộ.
ĐB Ngô Quang Phúc đề nghị, thay vì tăng cường lực lượng công an đứng điểm vừa tốn tiền bồi dưỡng vừa tăng biên chế thì nên lắp đặt camera tại các điểm tham gia giao thông để giám sát trật tự an toàn giao thông. Điều này không chỉ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn tăng cường năng lực phòng, chống trộm cắp, cướp giật.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Đà Nẵng, phản ánh: Việc triển khai Chỉ thị 43-CT/TU đã tạo chuyển biến rõ nét, đặc biệt là kể từ khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo lực lượng Công an đồng loạt xuống đường làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, hiện vẫn xảy ra tình trạng vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm; nhiều tuyến đường, khu vực trọng điểm còn lộn xộn về giao thông khi không có mặt lực lượng Công an. ĐB đề nghị cần có giải pháp lâu dài và đồng bộ để làm sao khi không có Công an, người dân vẫn chấp tốt luật giao thông.
Ông Trần Văn Miên, Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho biết, hiện nợ đọng thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là 950 tỷ đồng (tỷ lệ dưới 10%). Con số này so với các địa phương trên cả nước là chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, để chống nợ đọng thuế, thất thu thuế, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp như: phong tỏa tài khoản, cấm hóa đơn... đối với các doanh nghiệp nợ đọng thuế kéo dài. Ngoài ra, ngành thuế cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nợ thuế khi có hợp đồng được mở hóa đơn đối với hợp đồng đó để tạo nguồn thu thuế cho thành phố cũng như hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn thuận lợi. |
S.TRUNG - Đ.LƯƠNG - T.HÙNG