.

Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng: 7 năm, 4 lần di chuyển

.

Việc Trung tâm Văn hóa (TTVH) thành phố Đà Nẵng trong vòng 7 năm phải di chuyển địa điểm làm việc đến 4 lần và chưa biết khi nào trụ sở chính thức mới được xây dựng khiến nhiều người trong ngành băn khoăn về việc xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa của thành phố.

Pa-nô, áp-phích tuyên truyền, cổ động nằm chất đống tại 102 Lê Lợi.
Pa-nô, áp-phích tuyên truyền, cổ động nằm chất đống tại 102 Lê Lợi.

Vừa ổn định thì phải di chuyển

Thông báo mới nhất từ UBND thành phố ngày 12-11-2015 gửi Sở Xây dựng và Sở VH-TT&DL nêu kết luận của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố về việc thống nhất chủ trương chuyển đổi trụ sở làm việc của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy từ số 33 Lê Lai về số 102 Lê Lợi; đồng nghĩa với việc các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở VH-TT&DL, trong đó có TTVH thành phố hiện “đóng” tại đây phải di chuyển.

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc TTVH thành phố cho biết, đây là lần thứ 4 trung tâm phải di chuyển địa điểm làm việc.

Trước đây, trụ sở của Trung tâm tại số 84 Hùng Vương, với diện tích đất 14.000m2, được xem là thuận lợi cho công tác tổ chức hoạt động của một TTVH cấp thành phố. Nhưng đến năm 2008, TTVH phải di chuyển đến số 68 Trần Phú.

Đây là ngôi nhà cũ 3 tầng, diện tích sử dụng mỗi tầng khoảng 60m2. Với trụ sở hoạt động như vậy, Trung tâm không thể tổ chức các loại hình hoạt động văn hóa - nghệ thuật theo đúng chức năng.

Vì thế, đến tháng 2-2011, thành phố quyết định di chuyển TTVH về số 1A Phan Đăng Lưu. Tuy nhiên, khi TTVH mới vừa ổn định thì thành phố có quyết định di chuyển TTVH khỏi vị trí này, nhường lại khu đất cho dự án Khu Công viên văn hóa và vui chơi giải trí.

Vậy là TTVH phải về số 102 Lê Lợi ngay sau khi Sở VH-TT&DL chuyển vào Tung tâm hành chính năm 2014.

“Mới định cư tại địa điểm mới chưa được bao lâu, nay chúng tôi lại tiếp tục di chuyển. Các sở, ban, ngành liên quan đang tham mưu thành phố bố trí vị trí mới tại số 32 Bạch Đằng. 7 năm, phải di chuyển địa điểm làm việc đến 4 lần, mỗi lần di chuyển thì chúng tôi bị xáo trộn đủ thứ”, ông Ngô Văn Bảy chia sẻ.

Điều đáng nói, trong năm 2015, nhiều công trình văn hóa được đầu tư xây dựng, nhiều TTVT - thể thao phường, xã được hình thành nhưng TTVH thành phố bị “bỏ rơi”.

Về điều này, một cán bộ Sở VH-TT&DL cho biết, theo kế hoạch, TTVH thành phố được bố trí đất tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu), dự kiến quy mô đầu tư 300 tỷ đồng. Kế hoạch vốn năm 2016 đề xuất 300 triệu đồng để chuẩn bị đầu tư. Với mức đầu tư quá lớn này, không biết khi nào mới được bố trí vốn xây dựng dù kế hoạch dự kiến 2018 sẽ hoàn thành TTVH.

Khó trăm bề

Dù chưa “an cư” nhưng TTVH thành phố vẫn thực hiện đa dạng chức năng, nhiệm vụ. Trong thời gian qua, Trung tâm đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của thành phố, nhưng chất lượng chưa cao do đủ cái khó bao vây.

Theo ông Ngô Văn Bảy, hiện TTVH có các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, các loại hình hoạt động CLB, đội, nhóm sở thích như: CLB thơ, CLB nhiếp ảnh, CLB nhạc cụ, CLB bài chòi, CLB dân ca và chèo Thái Bình, CLB đồ họa…, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân và gầy dựng phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng.

Tuy nhiên, do hầu hết địa điểm làm việc của TTVH đều không được xây dựng đúng chức năng hoạt động, lại thêm không gian khá chật hẹp, nên TTVH buộc phải xếp lịch hoạt động cho các CLB, đội, nhóm và các lớp nghệ thuật sao cho không chồng lên nhau, dẫn đến tình trạng bị động trong công việc.

Chưa kể việc di chuyển nhiều lần khiến hoạt động một số CLB, lớp năng khiếu, phong trào văn hóa - văn nghệ tại Trung tâm cũng phải tạm dừng.

Ông Bảy cho biết: “Năm vừa qua, TTVH thường xuyên phải thuê hội trường tổ chức các sự kiện, đôi khi mọi kế hoạch đã lên hết nhưng tìm không ra địa điểm nên đành lùi thời gian tổ chức”.

Một trong những hoạt động quan trọng của TTVH thành phố là thực hiện tuyên truyền cổ động, triển lãm phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của thành phố.

Chỉ vào các áp-phích, pa-nô tuyên truyền chất đống ở khoảng sân nhỏ hẹp, ông Ngô Văn Bảy thở dài: “Nằm lăn lóc rứa đó, chừ biết cất ở mô, mà cái sân này cũng sắp hết chỗ chứa rồi”.

Năm 2015, với nhiều thiết chế văn hóa cơ sở được xây dựng, Sở VH-TT&DL ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn Đà Nẵng, trong đó nhấn mạnh vai trò của TTVH thành phố.

Theo đó, trung tâm có nhiệm vụ tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa cơ sở, lớp bồi dưỡng hô hát các làn điệu dân ca Khu 5; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa phường, xã; hướng dẫn thành lập, tổ chức hoạt động các CLB văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tại thiết chế văn hóa cơ sở; hướng dẫn các quận, huyện tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao nhân ngày lễ lớn; tổ chức hội thi, hội diễn văn hóa, nghệ thuật…

Khối lượng công việc nhiều như thế, nhưng trung tâm hiện chỉ có 35 cán bộ, trong đó có gần 15 cán bộ làm công việc hành chính, còn hơn 1/2 làm nhiệm vụ chuyên môn.

Ông Ngô Văn Bảy cho rằng, đó là hậu quả của việc sáp nhập TTVH thành phố và nhà biểu diễn đa năng nên có tới 2 “bộ máy hành chính”, dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu.

“TTVH thành phố hiện có khá nhiều bất cập. Các TTVH cơ sở đều đã hoàn thiện trong khi TTVH thành phố chưa biết khi nào mới khởi công xây dựng. Đến cơ sở vật chất còn chưa có thì tính chi đến chuyện đầu tư nguồn nhân lực cho TTVH”, ông Bảy nói.

Giải pháp thời gian tới cho TTVH như thế nào vẫn là câu hỏi cần sự trả lời của lãnh đạo thành phố và các ban, ngành liên quan.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.