Đi ra khỏi nhà thì thôi, chứ về đến nhà phải đeo khẩu trang, đóng cửa cho bớt mùi hôi. Mùi hôi đeo bám người dân cả lúc ăn, ngủ, thậm chí ngửi trên áo quần cũng bám mùi khó chịu xuất phát từ Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm.
Thực trạng này đang làm đảo lộn sinh hoạt thường nhật và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân 19 hộ ở tổ 7A phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.
Ông Trần Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Thọ Tây cho hay: Ngay khi công trình Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Cầm khởi công, người dân đã phản ứng vì vị trí của trạm quá gần khu dân cư.
Tuy nhiên, những người có trách nhiệm lúc đó đã trả lời rằng, các hộ dân xung quanh trạm sẽ được di dời đi nơi khác.
Năm 2006, các hộ dân này đã được kiểm định đất đai và nhà ở, thế nhưng, trạm xây xong mà việc giải tỏa 19 hộ dân xung quanh trạm vẫn bị “treo” đến nay.
Kể từ ngày Trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động cũng bắt đầu thời điểm các hộ dân ở đây phải chịu đựng mùi hôi thối kinh khủng, làm đảo lộn sinh hoạt và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có hộ mở quán cà-phê mưu sinh nhưng phải dẹp tiệm vì không có khách nào uống cà-phê chung với mùi hôi này. Hai người dân ở đây đã mắc chứng viêm phổi mạn tính phải điều trị dài ngày.
Theo phản ánh của các hộ dân ở đây, thời điểm Trạm xử lý nước thải bốc mùi hôi, nhất là lúc gần tối và gần sáng, hoặc khi đang nắng trời lại đổ mưa.
Bức xúc vì mùi hôi từ trạm này, đã nhiều lần người dân kéo đến phản ứng gay gắt với nhân viên vận hành của trạm thuộc Công ty TNHH Khoa học, Công nghệ môi trường Quốc Việt, thậm chí có lần, người dân đã tập hợp phương tiện xúc đất lấp cống chặn nước thải từ KCN chảy về Trạm xử lý.
Gần đây nhất, trong tháng 11 vừa qua, các hộ dân lại bức xúc kéo đến phản ứng với các nhân viên Trạm xử lý nước thải.
Như mọi lần, khi nào dân phản ứng quá, nhân viên trạm sử dụng hóa chất phun khử mùi tạm thời rồi hứa sẽ báo cáo cấp trên xử lý nhưng đâu vẫn lại vào đấy.
Một nhân viên vận hành Trạm xử lý nước thải thừa nhận: Công suất xử lý của trạm không đáp ứng được yêu cầu khối lượng nước thải ra, nhất là khi trời mưa, nước thải lẫn nước mưa gây quá tải cho việc xử lý nên tràn ra ngoài, gây mùi hôi.
Năm 2014, trạm này gây ra một đợt hôi thối quá mức và bất lực trong việc xử lý, đến nỗi thành phố phải cử Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đến xử lý mùi hôi.
Quá bức xúc vì mùi hôi của Trạm xử lý nước thải, tháng 8-2014, các hộ dân ở tổ 7A đã gửi đơn đến UBND quận Cẩm Lệ đề nghị được di dời chỗ ở đến nơi khác.
UBND quận đã mời đại diện các cơ quan: Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng, Công ty Cổ phần KCN Hòa Cầm, Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1, UBND phường Hòa Thọ Tây đi kiểm tra thực tế tại hiện trường và xác nhận các hộ dân ở đây thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối từ Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Cầm.
Thông tin sau buổi đi thực tế đã được báo cáo đến Thường trực HĐND thành phố và UBND thành phố. Sau đó, UBND quận đã họp dân thống nhất vị trí bố trí tái định cư tại khu tái định cư Hòa Thọ Tây - Hòa Nhơn.
Ngày 9-10-2014, UBND quận Cẩm Lệ đã có công văn xin chủ trương thành phố về việc giải tỏa 19 hộ dân tổ 7A. Ông Trần Mẫn, nhà ở gần Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Cầm cho biết: Sau khi UBND quận tổ chức họp dân lấy ý kiến để đề nghị lên thành phố cho các hộ được giải tỏa, di dời đi nơi khác, chúng tôi rất hy vọng vì đã chịu đựng mùi hôi thối gần 10 năm rồi.
Thế nhưng, đã qua hơn 1 năm, chúng tôi không thấy hồi âm gì từ thành phố, quận. Không biết bao giờ mới hết chịu cảnh chung sống, ăn ngủ cùng mùi hôi này.
Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây Nguyễn Quang Vinh xác nhận chưa có thông tin gì về việc di dời 19 hộ dân ở tổ 7A nhưng vẫn mong thành phố sẽ quan tâm giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân nơi đây.
Tình trạng 19 hộ dân tổ 7A nhiều năm liền phải chịu đựng mùi hôi từ Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Cầm đã được báo chí phản ánh nhiều lần trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý triệt để.
HĐND thành phố đã tập hợp ý kiến của các hộ dân tổ 7A đưa vào danh sách các kiến nghị bức xúc của cử tri sẽ được giám sát tại kỳ họp thứ 15 sắp đến.
SƠN TRUNG