Chính trị - Xã hội

Xây dựng bể bơi cho học sinh tiểu học

Doanh nghiệp không mặn mà

07:54, 24/12/2015 (GMT+7)

Nhiều vấn đề được đặt ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, giai đoạn 2016-2020, do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 23-12, trong đó có việc xây dựng bể bơi cho học sinh tiểu học và tạo sân chơi cho các em... 

Trẻ em chơi tô màu tại khu vui chơi giải trí phường Thanh Bình, quận Hải Châu.
Trẻ em chơi tô màu tại khu vui chơi giải trí phường Thanh Bình, quận Hải Châu.

Các bể bơi xuống cấp

Bà Đặng Thị Cẩm Tú, Phó trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, từ năm 2009, chương trình Bơi an toàn do tổ chức Liên minh Vì sự an toàn trẻ em tài trợ triển khai việc tổ chức dạy bơi cho học sinh tiểu học tại Đà Nẵng và đến nay đã kết thúc, đồng thời tổ chức này đã chuyển giao cho thành phố 11 bể bơi di động tại 11 trường tiểu học.

Tuy vậy, các bể bơi hiện xuống cấp và khó được khai thác, sử dụng để dạy bơi. Sau đó, thành phố đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng bể bơi tại 38 điểm trường với hình thức xã hội hóa, nhưng tính đến tháng 11-2015, chỉ có 1 doanh nghiệp đầu tư và đang xây dựng bể bơi tại Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu).

“Việc đầu tư bể bơi có chi phí ban đầu và chi phí vận hành lớn, lợi nhuận không cao hoặc không có lợi nhuận nên việc đầu tư của tổ chức, cá nhân vào xây dựng bể bơi còn hạn chế”, bà Tú cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, 5.000 học sinh biết bơi trong 5 năm qua là con số quá ít. “Bể bơi kêu gọi đầu tư chưa được thì phải tìm nguyên nhân để tháo gỡ. Không thể làm không được thì thôi luôn. Cứ như vậy thì không thể đạt được mục tiêu chống đuối nước”, ông Dũng nói.
Bên cạnh những khó khăn trong việc xây bể bơi, chương trình chăm sóc trẻ em hiện cũng gặp nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, hiện nay, chương trình giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tuy được lồng ghép triển khai đồng bộ trong các chương trình, dự án, góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em được chăm sóc dưới nhiều hình thức nhưng các hoạt động chỉ mang tính chất ngắn hạn, chưa bền vững, kinh phí hỗ trợ chủ yếu phụ thuộc các nguồn vận động.

Đồng quan điểm với ông Hiệp, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nói: “Hiện nay, ngân sách đầu tư cho công tác về trẻ em chưa có. Nếu chúng tôi được giao nhiệm vụ mà không có kinh phí thì cũng đành chịu”.

Trẻ không có chỗ chơi

Bà Lê Thị Thu Trang, Phó phòng phụ trách Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình thuộc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố có 37 khu vui chơi tại phường, xã. “Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy phần lớn các khu vui chơi giải trí tại đây đều hoạt động kém hiệu quả do không có kinh phí đầu tư, bảo dưỡng, nâng cấp, không có người quản lý, điều hành.

Bên cạnh đó, nhiều trang thiết bị cũng xuống cấp, hư hỏng nên trẻ em không vào chơi”, bà Trang nói. Theo bà Trang, khi nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu tái định cư, phải dành quỹ đất và thực hiện đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí, trong đó có các hạng mục phục vụ nhu cầu giải trí của trẻ em.

Bà Trang đề nghị thành phố sớm phê duyệt quy hoạch tổng thể mạng lưới thiết chế văn hóa - thể thao, trong đó ưu tiên dành 30% tổng diện tích và thời gian hoạt động để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, không thể cứ nói thực trạng chung chung rồi thôi, mà phải xác định lỗi do ai và ai phải chịu trách nhiệm và khắc phục. “Khi xây dựng thì phải xem địa điểm như thế có phù hợp không. Khu vui chơi cách nhà hàng cây số, lại ở nơi hẻo lánh thì cháu nào đến chơi được.

Đầu tư thiết bị cũng phải tính sao cho phù hợp với từng lứa tuổi. Nhiều em lớn rồi thì đâu còn thích chơi bập bênh nữa. Đầu tư tràn lan mà không sử dụng được là lãng phí”, ông Dũng nhấn mạnh. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cho các ngành phải nắm lại các khu vui chơi và có lộ trình đầu tư để làm sao phát huy hiệu quả.

Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố có hơn 200.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ khoảng 21% dân số. Trong đó, có hơn 2.700 em có hoàn cảnh đặc biệt... Giai đoạn 2016-2020, thành phố đặt mục tiêu 100% trẻ mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc, 100% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em...

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.