Chính trị - Xã hội

4 giải pháp đột phá phát triển ngành Giao thông vận tải

16:54, 22/01/2016 (GMT+7)

ĐNĐT - Sáng 22-1, Đại hội thảo luận nội dung các văn kiện, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã có tham luận về phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thặng tại Đại hội Đảng ngày 22-1. Ảnh: TTXVN.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thặng tại Đại hội Đảng ngày 22-1. Ảnh: TTXVN.

Trong bài tham luận, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, một quốc gia hiện đại, phát triển ở trình độ cao, trước hết phải có một hệ thống giao thông hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trông đợi những Nghị quyết quan trọng của Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ tiếp tục tạo động lực lớn và mới cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) ở Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong 5 năm qua, ngành đã tạo được bước đột phá trong việc thu hút các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển KCHTGT. Trong giai đoạn 2011-2015, ngành đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước cho KCHTGT được trên 410.000 tỷ đồng.

Việc tập trung đầu tư phát triển KCHTGT đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, giữa các đầu mối giao thông, cửa ngõ đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải; làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, trong thời gian đến, ngành GTVT sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá sau đây để phát triển hệ thống KCHTGT:

Thứ nhất, sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải thông qua việc rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển KCHTGT.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực để phát triển KCHTGT, bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước; đặc biệt chú trọng phối hợp để các địa phương tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào quá trình huy động các nguồn lực phát triển KCHTGT.

Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

N. THÀNH - V.DŨNG
 

.