Chúng ta phấn khởi về các thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trong năm qua cũng như cả nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, song cũng rất nhiều điều trăn trở.
Nhìn nhận một cách nghiêm túc, sau 40 năm thống nhất, đất nước vẫn chưa thoát khỏi một cách vững chắc tình trạng nước nghèo. Đời sống nhân dân nhiều nơi vẫn cơ cực, người làm công ăn lương còn khó khăn, nguồn lực đất nước chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, tình trạng suy thoái đạo đức xã hội có xu hướng gia tăng, cơ chế quản lý đất nước còn nhiều bất cập. Việc đề ra mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cần có cách tiếp cận mới.
Chỉ tiêu tăng trưởng GDP là cần thiết nhưng sẽ vô nghĩa nếu dựa trên cách tổng hợp số liệu không sát thực tế. Hiện nay, việc đề ra các chỉ tiêu và xác định mức tăng GDP hằng năm chưa thật sự khoa học.
Có thể con số tăng trưởng từng năm đều đạt, song xét kết quả chung của nền kinh tế đòi hỏi phải xem lại. Đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Đó là mục tiêu đúng, thể hiện nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm chính trị của lãnh đạo, nhưng không có nội dung cụ thể của một nước công nghiệp, đồng thời cũng chưa có chiến lược và chỉ tiêu cho từng ngành, lĩnh vực. Một nước công nghiệp trước hết phải thể hiện ở năng lực sản xuất dựa trên nền tảng sản xuất máy móc công nghiệp và tỷ trọng của sản phẩm công nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhưng đến nay, thử hỏi mặt hàng nào của Việt Nam là sản phẩm điển hình trên thị trường thế giới? Thời gian để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa chỉ còn 5 năm nữa, nhưng có lẽ khó đạt được. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm của việc không đạt này?
Chúng ta nói rất nhiều và rất sớm về nội dung công nghiệp hỗ trợ, về nội địa hóa ngành sản xuất ô-tô, nhưng kết quả đến nay còn lâu mới đạt. Vì sao sau nhiều năm xây dựng các khu công nghệ cao mà vẫn chưa đạt yêu cầu như mong đợi? Vì sao sản lượng gạo xuất khẩu nước ta vào loại cao nhất, nhì thế giới nhưng đời sống nông dân vẫn còn nhiều khó khăn?
Đảng, Chính phủ khi lập kế hoạch ở mỗi ngành, lĩnh vực cần có chỉ tiêu cụ thể, các giải pháp năng động và thông minh để triển khai, đồng thời có cơ chế gắn trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo. Quốc hội cần giám sát chất lượng tăng trưởng và đánh giá người đứng đầu các ngành hằng năm thông qua phiếu tín nhiệm. Thay đổi cách làm kế hoạch và thay đổi cơ chế quản lý, giám sát là đòi hỏi bức thiết.
Đổi mới cách xây dựng kế hoạch và xác định mục tiêu chiến lược, cần lưu ý nhân tố trung tâm là con người. Cần quan tâm đúng mức tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, tạo sự kìm hãm phát triển.
Chúng ta vui mừng vì các doanh nhân thành đạt, bởi sự giàu có của đất nước trước hết là sự giàu có của doanh nghiệp. Đất nước sẽ không phát triển nhanh, vững chắc nếu không có đội ngũ doanh nhân có chất lượng.
Đó là những người biết mạo hiểm một cách thông minh, có nền tảng văn hóa, có tinh thần yêu nước, không làm tổn hại đến sự tăng trưởng bền vững của quốc gia. Hiện nay, một trong những điểm yếu của nền kinh tế là tình trạng khuynh đảo của các nhóm lợi ích. S
ự cấu kết giữa những người làm chính sách với các đại gia đang là mối nguy tiềm tàng và lớn nhất trong việc khai thác tối ưu nguồn tài nguyên. Điều đáng lo không chỉ là tình trạng lợi ích nhóm đang ngày càng thao túng xã hội, mà nghiêm trọng hơn ở chỗ hệ thống luật pháp và cơ chế quản lý chưa hoàn thiện, đủ mạnh để ngăn chặn nó.
Khi sự giàu có của doanh nghiệp không xuất phát từ sự năng động trong môi trường kinh doanh lành mạnh, tình trạng bất bình đẳng sẽ xuất hiện. Khoảng cách giàu nghèo tuyệt đối và tương đối sẽ càng doãng ra, xã hội xuất hiện các mâu thuẫn tiềm ẩn không thể coi thường.
Đảng, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm và có sự thay đổi chính sách kịp thời, nhất là chính sách tiền lương mới. Vì sự bất cập về tiền lương hiện nay giữa các ngành trong bộ máy Nhà nước sẽ dẫn đến triệt tiêu động lực phát triển và trở thành một vấn đề xã hội - chính trị lớn. Tình trạng bất hợp lý này kéo dài nhưng biện pháp xử lý vẫn chắp vá, thiếu đồng bộ và căn cơ.
Qua những lần thí điểm triền miên, mục tiêu cải cách giáo dục vẫn chưa đến đâu. Từ nội dung sách giáo khoa, chương trình, mục tiêu, cho đến việc tổ chức thi đại học… đang bộc lộ những bất cập gay gắt.
Sau khi Quốc hội thông qua Luật Giáo dục, tình hình vẫn không cải thiện. Chúng ta không phủ nhận những kết quả nào đó ở một thời điểm nào đó của ngành giáo dục-đào tạo, nhưng xét tổng quát mục tiêu đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước có khoảng cách khá xa.
Trong việc hình thành nhân cách, gầy dựng một con người tử tế, nhà trường có vai trò hàng đầu. Thử hỏi trong toàn bộ sách giáo khoa hiện nay có bài nào dạy học sinh biết ghét sự tham nhũng và nếu sau này làm “công bộc” sẽ không tham nhũng, ức hiếp dân lành? Chúng ta mong đợi một nền giáo dục mới, khoa học, yêu nước, thương dân. Đã đến lúc phải đổi mới căn bản và toàn diện chính sách giáo dục cũng như cơ chế vận hành nền giáo dục nước nhà.
Hiện nay là thời điểm mà yêu cầu phát triển cần có sự suy nghĩ và thao thức mới. Chúng ta nói nhiều về tinh thần yêu nước, nhưng hình như ít nói về lòng thương dân. Quốc hội đại diện cho nhân dân, đòi hỏi khi quyết định, giám sát phải thể hiện sự thương dân.
Chỉ còn thời gian ngắn nữa sẽ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa mới, có hai việc quan trọng nhất phải chuẩn bị ngay từ bây giờ là sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, có cơ chế tuyển chọn người tài, đức vào Ban Chấp hành Trung ương, bộ máy Nhà nước nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đồng thời, phải dân chủ thật sự trong ứng cử, bầu cử.
Thực tiễn hoạt động Quốc hội cho thấy tầm quan trọng của yêu cầu dân chủ trong việc lựa chọn những người đại diện cho nhân dân. Sẽ không có sự thay đổi về hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và hoạt động nghị trường nếu thiếu những đại biểu tâm huyết, có năng lực và gắn bó máu thịt với nhân dân.
HUỲNH NGHĨA
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng