Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng hướng đến mục tiêu 90-90-90

09:14, 02/01/2016 (GMT+7)

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 có chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”. Dù đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhưng Đà Nẵng vẫn cần những giải pháp cụ thể hơn cho vấn đề này.

Đà Nẵng truyền thông trong tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS.
Đà Nẵng truyền thông trong tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS.

Lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục chiếm trên 90%

Chị L.T.M (30 tuổi, ở quận Thanh Khê) sau khi đi xét nghiệm để chuẩn bị sinh con thứ hai thì nghe bác sĩ thông báo tin “động trời”: chị bị nhiễm HIV từ chồng. Sau đó, chồng chị phải “thú nhận” là vừa có “quan hệ” với “gái bán hoa” trong chuyến công tác dài ngày. “Đâu có ngờ lại bị thế này. Giờ trách chồng thì cũng đã muộn. Chỉ tội cho em bé sắp chào đời”, chị M. nói trong nước mắt.

N.T.L (26 tuổi, quê ở Quảng Trị), sinh viên một trường trung cấp tại Đà Nẵng cũng bị lây nhiễm HIV từ người yêu nghiện ma túy. “Yêu rồi mới biết anh ấy bị nghiện ma túy. Mình đã khuyên và anh ấy cũng quyết tâm cai nghiện. Nhưng trong một lần thử để hiến máu, hai đứa đều bị nhiễm HIV. Mình bị lây từ anh ấy”, L. xót xa nói.

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tại Đà Nẵng, có khoảng 120 ca nhiễm HIV mới được phát hiện mỗi năm, trong đó, từ 50-70 trường hợp là người Đà Nẵng.

Tính đến ngày 31-11 vừa qua, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 1.800 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có hơn 800 trường hợp chuyển sang AIDS và hơn 400 ca tử vong do AIDS. Điều đáng lưu ý, người nhiễm HIV tại Đà Nẵng đang có xu hướng trẻ hóa, với hơn 70% số người nhiễm trong độ tuổi 20-39 và được phát hiện nhiễm HIV khá muộn. Lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục chiếm trên 90% số ca phát hiện nhiễm mới, kéo theo sự gia tăng nhiễm HIV trong phụ nữ và nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tăng cường truyền thông trong dân cư

Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Nguyễn Út cho biết, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS không ngừng được kiện toàn, tăng cường về số lượng và chất lượng, công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được đẩy mạnh; các hoạt động dự phòng chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV được triển khai mở rộng; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã khống chế được tỷ lệ hiện nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới mức 0,15%. Ông Nguyễn Út cũng cho biết, thời gian đến sẽ đẩy mạnh truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV, lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV, tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm y tế (BHYT) với người nhiễm HIV, nguy cơ không tiếp tục được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virus nếu không có BHYT trong thời gian tới; đồng thời, vận động họ tham gia và sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh, tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị nhiễm HIV/AIDS.

Để hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, Việt Nam đã cam kết và hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hợp Quốc đã đề ra. Theo Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố Đà Nẵng, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020, nhất là tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Đồng thời, cần lồng ghép vấn đề này vào các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa để bảo đảm tính bền vững cũng như tăng độ bao phủ truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.

Bài và ảnh: THỦY NGÀ

.