Chính trị - Xã hội
Đổi mới công tác tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu
Trước mỗi sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của Đảng, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn có những hoạt động chống phá, xuyên tạc, chia rẽ đoàn kết nội bộ, điều này dường như trở thành quy luật.
Tuy nhiên, có việc có lúc, chúng ta chưa kịp thời, chưa sắc bén trong thông tin. Làm thế nào thực sự đổi mới công tác tuyên truyền để Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng như của các cấp nhanh chóng đi vào cuộc sống… Đó là những vấn đề được Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ đề cập trong cuộc trò chuyện dành riêng cho phóng viên Báo Đà Nẵng trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Báo chí phỏng vấn đại biểu bên hành lang Đại hội lần thứ XII của Đảng. |
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết:
- Có thể nói Đại hội XII của Đảng là sự kiện chính trị lớn nhất của đất nước trong đầu năm 2016, đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng; trong năm 2015, chúng ta tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp. Vì vậy, các cơ quan báo chí, tuyên truyền và các tổ chức chính trị-xã hội đều có hoạt động rất thiết thực để tuyên truyền, cổ vũ, chào mừng đại hội.
Là sự kiện chính trị rất quan trọng của Đảng, đồng thời là sự kiện chính trị văn hóa gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội; do đó Đại hội XII được các tầng lớp nhân dân trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế quan tâm.
Trong những ngày qua, sau lễ khai mạc trọng thể Đại hội XII của Đảng, trong một ngày rưỡi, các đại biểu thảo luận nội dung dự thảo các Văn kiện Đại hội XII, báo chí tuyên truyền rất đậm nét các vấn đề về phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại…
Ngoài những thông tin diễn ra từ hội trường Đại hội, báo chí cũng đưa nhiều thông tin, hình ảnh về không khí phấn khởi, tin tưởng, háo hức theo dõi những nội dung Đại hội của đông đảo nhân dân. Nhiều cơ quan báo chí đăng, phát ý kiến của đảng viên và nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, ở nhiều lĩnh vực đời sống, lĩnh vực xã hội, vừa bày tỏ niềm tin của mình đối với đại hội, vừa gửi đến Đại hội và đại biểu kỳ vọng ở Đại hội XII.
Đại hội XII là Đại hội nhiệm kỳ 2016-2020 nhưng Đại hội XII cũng vượt lên tầm đại hội của một nhiệm kỳ vì tại thời điểm này, Đảng ta nhìn lại, đánh giá nghiêm túc 30 năm Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, nhận rõ những ưu điểm, thành tựu để tiếp tục phát huy, nghiêm khắc chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm để khắc phục; đặc biệt là xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp không chỉ cho 5 năm mà cho cả nhiều năm tới.
Nhiều đại biểu tại Đại hội khi trả lời phỏng vấn báo chí cũng bày tỏ, đây là vinh dự to lớn nhưng trách nhiệm đặt lên vai Đại hội XII và mỗi đại biểu dự đại hội cũng rất nặng nề. Có người nói trên diễn đàn Đại hội cũng như trả lời phỏng vấn bên hành lang Đại hội rằng, Đại hội XII thực sự khởi xướng cho một cuộc đổi mới lần thứ hai của Đảng và nước ta.
* Trước sự kiện trọng đại này, thời gian qua, có ý kiến cho rằng, chúng ta còn chưa kịp thời, nhanh nhạy trong việc cung cấp thông tin chính thống về các vấn đề của Đại hội, nên đã có hiện tượng xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây bất ổn trong dư luận. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Trước các sự kiện lớn của đất nước, nhất là trước kỳ đại hội Đảng hay các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội chính trị đẩy mạnh các hoạt động chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ, gây nhiễu thông tin, chia rẽ nội bộ, thống kê từ nhiều năm nay của chúng tôi cho thấy điều này gần như là một quy luật.
Do đó, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như các cơ quan chức năng khác đã chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, thù địch, độc hại. Nhiều cơ quan báo chí đã duy trì chuyên mục đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phòng ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm cho mọi người thấy được âm mưu thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch, của những kẻ xấu, đồng thời định hướng dư luận, hướng dẫn dư luận nhận thức và hành động đúng.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, có việc, có lúc chúng ta chưa kịp thời, chưa sắc bén trong việc thông tin, do đó tính hiệu quả chưa cao. Đây là vấn đề trong thời gian tới, các cơ quan làm công tác tư tưởng, văn hóa, báo chí, tuyên truyền phải nâng tầm tư duy, nâng cao bản lĩnh và cả năng lực chuyên môn. “Trận địa không tiếng súng” này ngày càng nhiều thử thách, khó khăn; không bao giờ chúng ta được phép tự bằng lòng, lơ là cảnh giác…
* Một trong những vấn đề cần đổi mới trong hệ thống chính trị, đó chính là đổi mới công tác tuyên giáo của Đảng. Thưa ông, trước mắt, việc đổi mới công tác tuyên truyền, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng như đại hội Đảng các cấp trong thời gian tới được thực hiện như thế nào?
- Những người làm công tác tuyên giáo, trong đó có báo chí, phải là những người nắm rất vững, rất sâu tư tưởng, tinh thần và nội dung cốt lõi của nghị quyết Đại hội XII của Đảng, vì khi anh đi tuyên truyền về nghị quyết thì phải nói, truyền tải được những vấn đề cốt lõi đó một cách ngắn gọn, súc tích và cụ thể; có thể đó chỉ là những gạch đầu dòng, luận điểm 1-2-3-4…, để làm sao cho mọi người dễ hiểu dễ nhớ.
Theo đó, về kinh tế, cái gì là mới, là đột phá và giải pháp nào là căn bản; tương tự như vậy, các vấn đề về xã hội, quốc phòng-an ninh, bảo vệ môi trường… Đó là những vấn đề mang tầm vĩ mô, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến từng người dân.
Phải làm sao để mọi người nhận ra được điều đó. Ví dụ, về phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuyên truyền nội dung nghị quyết phải làm sao cho ngư dân Đà Nẵng hiểu được rằng, họ ra khơi bám biển chính là vừa làm kinh tế gia đình, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để thực hiện tốt yêu cầu đó, ngư dân phải nắm vững luật pháp không chỉ của Việt Nam mà của cả các nước trong khu vực có vùng biển giáp Việt Nam về chủ quyền, khai thác kinh tế biển… để giảm đáng kể những vụ việc đáng tiếc…; phải có ứng xử như thế nào cho đúng đắn khi bị tàu nước ngoài đâm, va…
Yêu cầu đặt ra trước hết là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng như đại hội Đảng các cấp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, khoa học…, vì vậy khi triển khai nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, phải chọn lựa đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có năng lực chuyên môn, nhất là có nghệ thuật tuyên truyền.
Đặc biệt, cần phải tận dụng những ưu thế của thời đại công nghệ thông tin để đa dạng hóa hình thức chuyển tải nội dung nghị quyết, để mọi lúc mọi nơi, mọi người có thể tiếp cận những nội dung chủ yếu và cốt lõi của từng lĩnh vực, vấn đề… một cách nhanh nhất và sâu nhất. Ví dụ như việc chuyển tải nội dung lên các cổng thông tin điện tử, tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai theo hình thức trực tuyến, sử dụng phương tiện trình chiếu…
Trong các hội nghị quán triệt, nghiên cứu cũng cần dành thời gian để người nghe trao đổi, thảo luận về những vấn đề mới, những vấn đề còn chưa rõ để mọi người thực sự nắm được nội dung vấn đề.
Có thực hiện được đổi mới mạnh mẽ trong tuyên truyền, quán triệt thì việc tổ chức thực hiện nghị quyết mới thực sự hiệu quả. Vì vậy, để nghị quyết đi vào cuộc sống, đổi mới công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu.
Nguyễn Thành – Việt Dũng thực hiện