Chính trị - Xã hội

Đồng cảm và sẻ chia với phụ nữ

14:49, 20/01/2016 (GMT+7)

Lâu nay ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) đã không còn những lời than vãn, bực bội của người dân khi bất đắc dĩ chứng kiến cảnh vợ chồng nhà hàng xóm cãi vã, đánh đập. Thay vào đó, gia đình nào chỉ mới lời qua tiếng lại, đã có người từ Tổ phản ứng nhanh sang nhẹ nhàng nhắc nhở.

Hội LHPN xã Hòa Phong tham gia tiểu phẩm phòng, chống bạo lực gia đình tại một cuộc thi do Hội LHPN thành phố tổ chức.
Hội LHPN xã Hòa Phong tham gia tiểu phẩm phòng, chống bạo lực gia đình tại một cuộc thi do Hội LHPN thành phố tổ chức.

CLB chỉ có đàn ông

Hai CLB nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (gọi tắt là CLB) do Hội CCB và Đoàn thanh niên xã Hòa Phong quản lý được gọi vui là CLB đàn ông.

Đây là mô hình được thí điểm tại xã Hòa Phong (cùng với phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) do Ban điều hành cơ quan của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Hội LHPN thành phố triển khai.

CLB do Đoàn thanh niên xã Hòa Phong quản lý có 22 thành viên là đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Trong đó có đến 70% là thanh niên chưa lập gia đình.

“Do đa phần là thanh niên chưa lập gia đình nên nhận thức cũng như trải nghiệm của anh em còn ít. Tùy tình hình mà mình đưa ra những tình huống thực tế cho phù hợp”, anh Đặng Công Quang, Bí thư Đoàn xã Hòa Phong, chủ nhiệm CLB cho hay.

CLB sinh hoạt định kỳ vào giữa và cuối tháng. Những buổi gặp mặt của cánh đàn ông luôn rôm rả, cởi mở khi cùng nhau chia sẻ, giải quyết những tình huống bạo lực do báo cáo viên đưa ra.

Mở đầu mỗi buổi gặp mặt, anh Quang lại “dò bài” bằng hình thức chơi trò chơi, hỏi-đáp hoặc đưa ra một trường hợp cụ thể. Bộ giáo án do Dự án UN Women đưa về có 4 nội dung, là: bạo lực kinh tế, bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất và bạo lực tình dục.

Anh Đặng Công Quang hồ hởi chia sẻ: “Có lần, tôi đưa ra tình huống em gái trong gia đình lên trường đánh bạn, bị cô giáo phạt. Hơn 90% thành viên đều bảo phải đánh “cho chừa”. Qua phân tích tình huống, thì các thành viên đã thay đổi suy nghĩ, hướng tới việc dùng lời nói để răn đe, dạy dỗ. Nhiều anh em tự nhận trước đây rất coi thường vị trí của chị dâu, nhưng giờ thì đã khác. Có hôm lên sinh hoạt, mấy anh em còn khoe mình vừa đứng ra hòa giải một vụ cãi nhau trong nhà”.

Thúc đẩy bình đẳng giới

Không chỉ có hai CLB nêu trên, ở xã Hòa Phong còn có CLB cha mẹ học sinh phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái hoạt động rất hiệu quả. Bằng chứng là trong nhiều năm liền, CLB đều giành giải nhất các cuộc thi phòng, chống bạo lực gia đình do Hội LHPN thành phố cũng như huyện Hòa Vang tổ chức.

Để phong trào bình đẳng giới đi vào chiều sâu, tại mỗi thôn của xã Hòa Phong đều có Tổ phản ứng nhanh với 20 thành viên chuyên giải quyết những trường hợp bạo lực gia đình, an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn. Nhà nào thường xuyên xảy ra lục đục, vợ chồng bất hòa đều nằm trong tầm ngắm của Tổ và có cán bộ theo dõi riêng.

Bà Đặng Thị Thắng (SN 1953), thành viên của Tổ phản ứng nhanh thôn Túy Loan Đông 1, cho hay: “Nhiều ông chồng thấy vợ trang điểm đi đám cưới cũng lên cơn ghen, uống rượu vào lời qua tiếng lại. Tôi chạy sang là bị mắng xối xả nhưng trước mắt là cứ dẫn chị vợ tránh đi chỗ khác đã. Qua cơn say là mấy ổng xấu hổ, xin lỗi mình, xin lỗi vợ. Dân họ cũng biết mình làm công việc này đâu có vụ lợi chi nên cũng hiểu, nhận thức tốt lắm”.

Kể từ khi có Tổ phản ứng nhanh, hiếm có trường hợp bạo lực khiến lãnh đạo xã phải cử người xuống giải quyết. Chị Nguyễn Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phong, nhận xét: “Rõ ràng phụ nữ ngày nay đã có tiếng nói hơn. Trước đây làm chi có việc mấy ông chồng để vợ tham gia hoạt động của địa phương. Còn bây giờ, thì cho sinh hoạt thoải mái, có khi là vui chơi qua trưa, mấy cha con ở nhà tự lo cơm nước mà không than phiền gì”.

Bài và ảnh: CHIÊU ANH

.