.

Làm mới tư duy để đột phá

.

● Chuyển hướng phát triển từ diện rộng sang chiều sâu

Ngày 16-1, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) thành phố tổ chức Hội thảo giải pháp thực hiện 3 đột phá phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng và PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

Đà Nẵng cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với thế giới. TRONG ẢNH: Hành khách làm thủ tục tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. 			                    Ảnh: N.T
Đà Nẵng cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với thế giới. TRONG ẢNH: Hành khách làm thủ tục tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: N.T

Trước khi diễn ra hội thảo tập trung, đã có 3 cuộc tọa đàm riêng về 3 đột phá phát triển KT-XH của thành phố do các Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Hồ Kỳ Minh chủ trì với sự tham dự của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thanh Quang cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài thành phố.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI xác định sự phát triển của Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm dẫn dắt vùng, kết nối khu vực. Để tạo đột phá và sức bật mới cho thành phố, cần bàn về chức năng vùng, đẳng cấp vùng của Đà Nẵng là gì để quy hoạch phát triển thành phố.

Phát triển du lịch ở tầm quốc tế

Tổng hợp các ý kiến của tọa đàm về đột phá 1 “Phát triển mạnh các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, công nghệ thông tin”, PGS, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, đề xuất trước hết Đà Nẵng cần chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng.

Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, bảo đảm tránh được tình trạng kẹt xe đang xảy ra ở các đô thị lớn; đồng thời đầu tư hạ tầng Sân bay quốc tế Đà Nẵng bảo đảm kết nối với nhiều khu vực trên thế giới.

Trong phát triển du lịch, Đà Nẵng phải phát huy được vai trò trung tâm để liên kết khu vực. Về sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm du lịch, cần có sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng. Thành phố cần xây dựng khu trung tâm thương mại quốc tế miễn thuế có chức năng xuất khẩu tại chỗ nhằm khuyến khích du khách mua sắm.

Ngoài ra, phải hình thành những sản phẩm dịch vụ giải trí về đêm đáp ứng nhu cầu của du khách; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch. Vấn đề cuối cùng là Đà Nẵng cần tiếp tục giữ được môi trường xanh-sạch-đẹp và môi trường xã hội đã có thương hiệu là thành phố thân thiện.

Tại cuộc tọa đàm trước đó, TS Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, muốn kéo các nhà đầu tư chiến lược đến Khu công nghệ cao ở Đà Nẵng, thành phố cần có cơ chế đặc thù, chứ cơ chế thông thường như hiện nay mà các địa phương đang áp dụng thì rất khó cạnh tranh với các địa phương khác trong việc kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược.

Đề cập đến việc thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao, PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng: “Ngoài cơ chế đặc thù trong thu hút đầu tư, chúng ta phải chủ động đi “săn” các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tiềm năng. Chúng ta không cần kêu gọi nhiều nhà đầu tư, mà chỉ cần “săn” một nhà đầu tư “tầm cỡ” là đủ rồi. Hiện nay, nhìn vào các nhà đầu tư đã vào Đà Nẵng, tôi thấy chẳng có một “chân dung” nhà đầu tư nào hết. Đà Nẵng phải tìm được “chân dung” nhà đầu tư thực sự xứng tầm để xây dựng thương hiệu và kéo theo các nhà đầu tư chiến lược khác tiếp tục đến đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, Đà Nẵng cũng cần hoạch định phát triển du lịch ở tầm đẳng cấp du lịch quốc tế. Cách tiếp cận du lịch của Đà Nẵng là cách tiếp cận toàn cầu chứ không phải du lịch địa phương thì lúc đó mới có bước đột phá về du lịch. Về quy hoạch và phát triển đô thị, Đà Nẵng có đủ điều kiện để tiến tới xây dựng thành phố trở thành một thành phố thông minh.

Không để mất cân đối giữa kinh tế và văn hóa

Báo cáo kết quả tọa đàm về đột phá 2 “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị; xây dựng thành phố môi trường”, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Bùi Văn Tiếng tổng kết: Cả ba khía cạnh của nội dung đột phá 2 đều có mối liên hệ với nhau, cần đầu tư tài lực, nhân lực bảo đảm trở thành điều kiện tạo nên đột phá này và đều phải hướng đến phát triển bền vững.

Tương tự, cả 3 nội dung đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đều có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Đà Nẵng cần có một “tổng tư lệnh” đủ sức cầm chịch kết nối cả ba đột phá này. Phát triển kết cấu hạ tầng thành phố phải tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường, khắc phục các nhược điểm cố hữu của đô thị, cần thận trọng lựa chọn mô hình phát triển đô thị.

Ông Tiếng cũng cho rằng có sự phát triển không cân đối giữa kinh tế và văn hóa. Đây là điểm cần quan tâm, nếu không “Năm văn hóa, văn minh đô thị” chỉ bùng cháy như lửa rơm chứ không thấm vào đời sống tinh thần của nhân dân thành phố. “Chừng nào chúng ta chưa thực lòng xem văn hóa là cái “chân thắng” của phát triển thì chừng ấy vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng phát triển chưa cân đối, thậm chí mất cân đối giữa kinh tế và văn hóa”, ông Tiếng nói.

Ông Nguyễn Văn Duy, Phó phòng Quản lý đô thị, Văn phòng UBND thành phố cũng cho rằng, việc xây dựng một thành phố văn hóa, văn minh chính là khẳng định vai trò của ý thức cộng đồng hơn là vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, để làm được điều này, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh với kế hoạch cụ thể của các cơ quan Nhà nước.

Đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực tư

Tổng hợp kết quả tọa đàm về đột phá 3 “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, TS Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH thành phố cho biết, các ý kiến đề xuất nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) khu vực công của thành phố và tiếp tục nâng chất lượng các Đề án 89, 922...

Phương pháp tuyển dụng, thu hút cũng cần đổi mới hơn theo hướng cạnh tranh và theo nhu cầu vị trí việc làm, đáp ứng với khung năng lực. Đồng thời, hoàn thành phương pháp đánh giá cán bộ, công chức và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nghiên cứu đưa cán bộ, công chức ra khu vực tư để đào tạo; tiếp tục thực hiện bổ nhiệm qua thi tuyển công khai.

TS Nguyễn Phú Thái đề nghị cần dự báo nhu cầu để đào tạo đủ số lượng, đúng chuyên môn. Thu hút NNLCLC cần theo hướng “săn đầu người” chứ thu hút chỉ dựa trên chế độ đãi ngộ vẫn chưa đủ. Ông Thái cũng nêu thực trạng thành phố chưa quan tâm vấn đề đào tạo NNLCLC cho khu vực tư và đề nghị thành phố có cơ chế cho khu vực tư thu hút sử dụng NNLCLC cho doanh nghiệp.

Đề cập vấn đề này, tại tọa đàm trước đó, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển NNLCLC thành phố Dương Thúy Hằng cho hay: UBND thành phố đã giao cho trung tâm chủ trì tham mưu cho thành phố xây dựng Đề án Hỗ trợ phát triển NNLCLC cho doanh nghiệp.

Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, xem xét thí điểm phân bổ các học viên Đề án 922 về làm việc cho các doanh nghiệp có nhu cầu trên địa bàn thành phố. Đây cũng là một trong những giải pháp tăng khả năng hội nhập kinh tế toàn cầu, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Mặt khác, thành phố cần khuyến khích các doanh nghiệp tự đào tạo, thu hút NNLCLC bằng hình thức hỗ trợ, vinh danh các doanh nghiệp có đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu đàn. Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị cần nghiên cứu bố trí học viên Đề án 922 sang khu vực tư để hỗ trợ doanh nghiệp. Sự hỗ trợ này cũng chính là hỗ trợ cho sự phát triển của thành phố.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng khẳng định đã đến lúc thành phố cần có quan niệm mới, cách nhìn mới về phát triển của Đà Nẵng.

Thành phố phải làm mới tư duy về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, về phát triển du lịch và dịch vụ, về phát triển NNLCLC để đề ra những giải pháp đột phá có tính khác biệt; chuyển hướng phát triển từ diện rộng sang chiều sâu. Các cơ quan tham mưu của thành phố trên cơ sở tập hợp các ý kiến đề xuất UBND thành phố tiếp tục tổ chức những hội thảo chuyên sâu tìm những giải pháp hợp lý, cụ thể

Đột phá là phải bất thường

PGS, TS Trần Đình Thiên chia sẻ: Cách đây 2 năm, Đà Nẵng đã tổ chức một hội thảo nhằm xây dựng, phát triển Đà Nẵng thành một thành phố tầm cỡ. Lúc đó, tôi cũng đã nói với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về các ý tưởng được đưa ra tại hội thảo là chưa đủ “điên” để Đà Nẵng đột phá.

Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, muốn đột phá phải có ý tưởng đủ “điên”, chứ bình thường thì chẳng có gì để nói cả. Đột phá là phải bất thường, cái khác thường hoàn toàn, có thể chưa phải là cái phi thường. “Đà Nẵng bây giờ không còn là Đà Nẵng nữa, Đà Nẵng là của cả khu vực này (khu vực miền Trung và Tây Nguyên - PV) và của cả thế giới nữa. Chứ Đà Nẵng bây giờ mà chỉ có sân bay, cảng biển... thì tất cả cũng chỉ giống y như Quảng Ngãi, thành phố Huế, khó mà đột phá được”, PGS, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

S.TRUNG - T.HÙNG - P.CHUNG

;
.
.
.
.
.