Chính trị - Xã hội

"Người đưa đò" bến biệt ly

14:41, 07/01/2016 (GMT+7)

Về hưu, người giáo viên ấy không hưởng thụ cuộc sống an nhàn mà miệt mài với công tác từ thiện. Vừa thấy bà tất bật vận động học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, chốc lát lại thấy bà lặn lội quyên góp tiền hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, cơ cực. Chẳng những thế, bà còn là “người đưa đò” bến biệt ly cho nhiều mảnh đời nằm xuống không có được một tấm áo quan.

Bà Nguyễn Thị A trao học bổng cho các em học sinh.
Bà Nguyễn Thị A trao học bổng cho các em học sinh.

Bà là Nguyễn Thị A, Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu.

1. Nghe bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng, khen hết lời về người cựu giáo viên tâm huyết với công việc từ thiện, tôi ngỏ ý xin liên hệ. Bà A đề nghị giới thiệu cho tôi nhiều người tốt khác, luôn âm thầm cống hiến cho xã hội, thay vì phỏng vấn bà.

Rồi bà A kể về mình nhưng lại đau đáu: “Trong thời gian gắn bó với công tác từ thiện, tôi được báo tin về 2 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, tôi đau lòng lắm. Tôi cứ suy nghĩ mãi, mỗi đứa trẻ đến với cuộc đời này, trẻ nào được nâng niu, trẻ nào bị tước đi quyền sinh sống?...”.

Trường hợp đầu tiên, đúng 12 giờ ngày 25-12-2013, bà nhận được điện thoại báo tin có trẻ bị bỏ rơi ngoài biển. Đang ở trong quê, bà bỏ ngang công việc dang dở, tức tốc đến bãi biển Xuân Thiều. “Trưa đó, có hai cậu bé khoảng 15, 16 tuổi ra bãi đá ở biển chơi và vô tình phát hiện một thùng xốp được dán ni-lông rất kỹ.

Hai em tò mò mở ra xem thì phát hiện xác một trẻ sơ sinh được quấn trong chăn. Thương lắm, xác trẻ đã bị phân hủy, không thể phân biệt được giới tính...”, bà A kể. Không ngần ngại, bà lập tức nhờ người hỗ trợ tẩm liệm, chôn cất.

Chiều 6-9-2015, bà A lại nhận được tin báo có trẻ bị bỏ rơi. Lần này, địa điểm phát hiện trẻ là ở bãi rác Khánh Sơn. “Một công nhân làm ca đêm ở bãi rác Khánh Sơn vô tình phát hiện trẻ trong một túi ni-lông.

Theo quy định bên bãi rác Khánh Sơn, ai tìm thấy trẻ thì làm mẹ đỡ đầu nên phần mộ của em được chôn cất ngay gần đó, nơi trước đó đã có 4 trường hợp như thế. Phần đất đó không tốt lắm nên tôi đang lên kế hoạch, xin được di dời mộ các em đến nơi khác...”, bà tâm sự.

Sáng chớm lạnh dường như càng thêm tê tái với nỗi trĩu nặng trong lòng bà A. Trong suốt buổi trò chuyện, bà trăn trở mãi với câu hỏi: “Còn bao nhiêu trường hợp không may mắn được phát hiện? Không chỉ bị tước quyền sống, các em còn bị tước mất quyền ra đi một cách tử tế?”. Nỗi xót thương cứ bám víu mãi “người đưa đò” bến biệt ly, không làm sao dứt ra được...

2. Khi tôi đến gặp, bà A đang cẩn thận kiểm tra từng cuốn sổ ghi chép về các hoạt động từ thiện. Cuốn sổ này dành riêng cho khuyến học, cuốn sổ kia ghi chép về quà Tết. Trong đó, cuốn sổ cũ nhất là cuốn sổ đặc biệt nhất, kín đặc chữ viết về bao phận người nghèo khó và tình nhân ái của nhiều tấm lòng.

Bà A tâm sự: “Mỗi khi có ai liên hệ nhờ giúp đỡ, tôi đều đến tận nơi thăm hỏi, chụp ảnh rồi dán vào cuốn sổ này cùng với lá đơn của họ và viết lời kêu gọi. Ai quyên góp bao nhiêu thì ký vào...”. Đến nay, cuốn sổ này đồng hành với bà cũng như Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu trong sự tương trợ gần 40 hoàn cảnh.

Lật giở từng trang sổ, bà A kể tường tận cuộc sống của những mảnh đời. Đó là cậu bé bị bỏ rơi ở bệnh viện, được một cặp vợ chồng hiếm muộn xin về nuôi nhưng không may bị u máu. Không chỉ tận tình giúp đỡ tiền bạc, khi cậu bé theo cha mẹ vào thành phố Hồ Chí Minh chữa trị, bà còn liên tục điện thoại hỏi thăm tình hình.

Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn gia đình đó, bà A liên hệ với cô giáo cũ của mình, cô Nguyễn Thị Cúc, nhờ giúp đỡ. Tình nhân ái lan rộng, bà Cúc sẵn sàng hỗ trợ đôi vợ chồng ấy về chỗ ăn ở, sinh sống trong nhiều năm qua. Không chỉ vậy, bà Cúc còn nhận làm bà nội nuôi của đứa bé.

Đó còn là em N.H.T (10 tháng tuổi, ngụ huyện Hòa Vang) không có tiền ghép tim. Đó còn là em N.Đ.S (SN 1992, ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) bệnh nặng cần phải phẫu thuật. Đó còn là em P.C (SN 1989, ngụ phường Hòa Minh), con trai duy nhất của người mẹ khiếm thị, bất ngờ bị tai nạn, liệt nửa người, lâm vào cảnh khốn khó.

3. Cứ thế, suốt 7 năm qua, từ ngày này sang ngày khác, bà A mải mê quan tâm những phận đời éo le, tất bật đi xin từng đồng cho những người nghèo khó. Nhưng có lẽ khắc sâu trong trái tim người cựu giáo viên đa cảm và giàu tình thương ấy lại là những “chuyến đò” ở bến biệt ly.

Bà A rớm lệ: “Hễ gia đình nào có người thân vừa mất mà gọi điện nhờ giúp đỡ, việc trước tiên tôi làm là đi xin quan tài. Nơi này xin một ít, nơi kia xin chút đỉnh, chừng nào đủ tiền mua áo quan mới thôi. Có lần, tôi đi xin tiền cho anh L.V.P, giờ khâm liệm là 14 giờ nhưng đến 12 giờ chỉ mới gom được 1,1 triệu đồng, chưa đủ để mua áo quan và các vật dụng khâm liệm. Vậy là tôi quyết định đến Trung tâm mai táng thành phố xin mua chịu...”.

Đó là chuyến đưa đò buồn nhất của bà, buồn vì thương cho phận nghèo lìa đời mà cái nghèo vẫn bám riết dai dẳng. Mang nỗi trăn trở đó trong lòng, bà có ý tưởng thành lập “Quỹ áo quan”, để nếu có ai nằm xuống mà khó khăn thì kịp thời hỗ trợ. Nhờ tấm lòng thiện lương của bà, từ ngày “Quỹ áo quan” hoạt động đến nay, có 9 trường hợp đã về với đất mẹ trong niềm ấm áp.

Bài và ảnh: KHA MIÊN

.