Chính trị - Xã hội

Phản hồi loạt bài "Xã hội hóa đơn vị sự nghiệp văn hóa công lập: Xu thế tất yếu"

Đoàn ca múa nhạc sẽ về đâu?

08:01, 07/01/2016 (GMT+7)

Sau loạt bài “Xã hội hóa đơn vị sự nghiệp văn hóa công lập: Xu thế tất yếu” đăng trên Báo Đà Nẵng vào ngày 4 và 5-12, trong đó có đặt vấn đề về xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về “số phận” của Đoàn ca múa nhạc thành phố.

Đoàn ca múa nhạc thành phố tham gia thi biểu diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đoạt nhiều huy chương nhưng rất hiếm có chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Trưng Vương.
Đoàn ca múa nhạc thành phố tham gia thi biểu diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đoạt nhiều huy chương nhưng rất hiếm có chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Trưng Vương.

Ông Phan Như Lâm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng: Không cẩn thận, họ bỏ đi hết

Thật tình, nghe nói xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương, tôi thấy lo cho Đoàn ca múa nhạc thành phố. Không riêng gì một đơn vị nghệ thuật mà bất kỳ cái gì liên quan đến văn hóa, xây khó nhưng rả dễ lắm. Đoàn ca múa nhạc thành phố có khá nhiều diễn viên, ca sĩ đầu quân theo cơ chế thu hút nhân tài của Đà Nẵng.

Chúng ta đã rất khó khăn để thành lập một đội ngũ có chuyên môn như thế, nhất là đội ngũ nghệ sĩ, nhạc sĩ; nếu rả ra thì khó tìm lại được. Mấy bữa nay tôi có trao đổi với anh Dũng (Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng - PV), anh Chiến (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL - PV) về vấn đề này.

Tôi nói với mấy ảnh rằng, xã hội hóa hay thay đổi cơ chế hoạt động của Nhà hát Trưng Vương thì cứ làm, nhưng cấp thiết phải xem xét cẩn trọng đối với Đoàn ca múa nhạc. Không bao cấp 100%, nhưng cần có kinh phí nhất định hỗ trợ; nếu xã hội hóa, để họ tự chủ 100%, họ có quyền đi hát chỗ này, chỗ kia, không thể yêu cầu họ cống hiến cho thành phố. Nói thật, nhiều ca sĩ trong đoàn, họ đi biểu diễn bên ngoài đời sống kinh tế dư dả, nhà lầu, xe hơi; chứ hưởng lương Nhà nước bao nhiêu đồng. Vì thế, nếu làm không cẩn thận, họ bỏ đi hết.

Ông Hồ Hải Học, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng: Phải tự thay đổi chính mình

Trước đây, cũng theo chủ trương xóa bao cấp, chúng ta đã xóa luôn đoàn kịch nói, đoàn cải lương Sông Hàn. Cố gắng lắm mới giữ được Đoàn ca múa nhạc thành phố và sáp nhập vào Nhà hát Trưng Vương. Từ đó đến nay, Nhà hát Trưng Vương “nuôi” luôn đoàn. Nói thế để thấy rằng, về biểu diễn nghệ thuật, thành phố không còn gì ngoài Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng.

Nhưng nếu giữ lại Đoàn ca múa nhạc mà chỉ có phục vụ nhiệm vụ chính trị thì cũng không nên giữ làm gì. Đoàn cần từ từ dứt khỏi cơ chế bao cấp. Ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị, Đoàn ca múa nhạc phải tự thay đổi chính mình, hát tuồng thì khó vì kén chọn người xem, chứ hoạt động biểu diễn ca múa nhạc nếu anh làm giỏi thì ắt sẽ có doanh thu.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức, Chủ nhiệm CLB sáng tác trẻ Đà Nẵng: Nên tách hẳn Đoàn ca múa nhạc

Theo tôi, trước hết nên tách hẳn Nhà hát Trưng Vương và Đoàn ca múa nhạc. Đoàn ca múa nhạc thành phố cần có người quản lý riêng. Việc giữ hay xóa Đoàn ca múa nhạc, tôi cho rằng thành phố lớn như Đà Nẵng không thể thiếu một đoàn ca múa nhạc. Lâu nay, đoàn hoạt động không hiệu quả là do cơ chế quản lý chứ không phải thiếu nhân tài.

Thử hình dung như thế này, sinh con cái ra, nuôi nó đàng hoàng, nó khôn lớn, trưởng thành thì nó sẽ tự lập, có khi quay lại giúp đỡ cha mẹ. Nhưng nếu nuôi nó quá èo uột, nó không có sức khỏe, không đủ lớn thì ra đời cạnh tranh sao lại người ta. Vì thế, thành phố làm sao nghĩ cách nuôi cho Đoàn ca múa nhạc đàng hoàng, thì sẽ thu được trái ngọt.

Ca sĩ Công Trứ, Đoàn ca múa nhạc thành phố: Giữ lại và có chính sách cải cách mới

Từ ngày có chủ trương xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương, tâm lý anh em trong đoàn bị xáo trộn vì không biết số phận sẽ như thế nào. Tôi về đoàn từ đầu năm 2004, theo diện thu hút nhân tài của thành phố. Ngót nghét đã hơn 10 năm. Ngần ấy thời gian, tôi đã gắn bó với Đoàn, có những cống hiến nhất định cho thành phố. Bây giờ, nếu thành phố xã hội hóa Đoàn ca múc nhạc, “bỏ bê” chúng tôi thì quả thật rất buồn.

Nguyện vọng của anh chị em trong đoàn là thành phố nên giữ lại Đoàn ca múa nhạc và có chính sách cải cách mới. Có một thực tế là nhân lực Đoàn ca múa nhạc vừa thừa vừa thiếu. Nhất thiết phải có sự đào thải, tuyển dụng thêm nhân tài, đổi mới cơ chế hoạt động. Lâu nay, chúng tôi không phát triển vì nhiều lý do khách quan có, chủ quan có, chứ không phải anh em không có thực tài. Làm sao để Đoàn ca múa nhạc có làn gió mới, chứ không thể ngồi chờ biểu diễn những sự kiện chính trị là mong mỏi lớn nhất của anh em trong đoàn.

Ông Lê Đình Thi, Bí thư chi bộ Xuân Đán 2, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê: Có thể gộp chung với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

Người dân chúng tôi đang theo dõi chuyện xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương. Theo tôi, nên cổ phần hóa Nhà hát Trưng Vương để nó phát triển lên; còn Đoàn ca múa nhạc thì phải nghiên cứu lại.

Có thể gộp chung vào với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh để tạo nên một nhà hát biểu diễn nghệ thuật lớn mạnh; chứ hai đơn vị nghệ thuật công lập cùng tồn tại, rất cồng kềnh về bộ máy quản lý, tốn kém ngân sách. Đồng thời, đổi mới hoạt động của Đoàn ca múa nhạc, tôi thấy lâu lâu họ mới biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, còn biểu diễn cho bà con mình coi đâu chẳng có.

Nhạc sĩ Đình Thậm, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương:

Chúng tôi sẵn sàng xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương nhưng đề xuất thành phố vẫn duy trì và hỗ trợ hoạt động của Đoàn ca múa nhạc thành phố. Tuổi nghề của các nghệ sĩ biểu diễn thực sự rất ngắn, nhưng có nhiều anh chị em diễn viên, những người có học hành tử tế, có nghề về với thành phố, với nhà hát từ những ngày đầu thành lập, họ đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình mà “bén rễ sinh cây” với đất này. Nếu xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương mà mất cái đoàn này đi thì xót xa quá.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.