.

Nhà trẻ cho con công nhân

.

Sau nhiều năm “nóng nguội” câu chuyện xây dựng nhà trẻ cho con công nhân, mới đây Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục (ĐLTT) ở khu vực công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đến năm 2020 tại thành phố Đà Nẵng được UBND thành phố giao cho Hội LHPN thực hiện đã góp phần giảm tải áp lực kinh tế, tinh thần cho giới công nhân.

Nhu cầu nơi gửi con an toàn của nữ công nhân rất lớn nhưng chưa thể đáp ứng, đặc biệt là thiếu nơi giữ lứa tuổi nhà trẻ sau khi mẹ hết thời gian hộ sản 6 tháng. (ảnh minh họa)
Nhu cầu nơi gửi con an toàn của nữ công nhân rất lớn nhưng chưa thể đáp ứng, đặc biệt là thiếu nơi giữ lứa tuổi nhà trẻ sau khi mẹ hết thời gian hộ sản 6 tháng. (ảnh minh họa)

Sáng chủ nhật, dù trời mưa nhưng đông đảo phụ huynh của nhóm trẻ Tuổi Hoa (756 Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đều có mặt đông đủ tham dự buổi tuyên truyền do Hội LHPN thành phố tổ chức.

Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối, chị Xuân Thu, công nhân một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở KCN Hòa Khánh, cho hay: “Tôi mới gửi con được vài tháng. Nghe mấy cô nói nhà trẻ được thành phố hỗ trợ sửa chữa nhà vệ sinh, đồ chơi, bàn ghế,... mà mình mừng lắm. Với đồng lương eo hẹp, chúng tôi nào có mong gì hơn”. Cũng qua buổi sinh hoạt này, chị Thu mới vỡ lẽ nhiều kiến thức chăm con mà trước đây mình từng ngộ nhận, nhất là việc cho con uống thêm nước trong 6 tháng đầu đời vì sợ sữa mẹ không đủ chất.

Cùng tâm trạng với chị Thu, chị công nhân Hoàng Yến (28 tuổi, công nhân một nhà máy may KCN Hòa Cầm) có con đang gửi tại nhà trẻ Khánh Vy (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) cũng hồ hởi: “Trời trở lạnh nên vợ chồng tôi cứ lo cháu gửi ở nhà trẻ ăn, ngủ không đảm bảo. Nhưng bữa nay thì không phải lo nghĩ gì nữa vì sắp tới nhà trẻ được thành phố hỗ trợ thêm giường, đồ chơi, bàn ghế rồi”.

Hai vợ chồng chị Yến từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng thuê trọ, đi làm công nhân. Kể từ khi bé nhà chị được 7 tháng tuổi, không thể tìm được nhà trẻ nào an tâm mà chi phí thấp nên chị Yến đành ngậm ngùi đem con về gửi bà nội ở quê và mới đem cháu ra ở với bố mẹ được 3 tháng gần đây.

Trong 18 nhóm trẻ được hỗ trợ đợt này, các mẫu đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, giường… đều được Hội LHPN thành phố đặt hàng theo chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT. Nhờ đề án  mà nhiều nhóm trẻ ĐLTT có cơ hội được sửa chữa lại nhà vệ sinh dành cho các bé, được có thêm chiếc tivi mới.

Là đơn vị duy nhất nhận được tivi trong đợt này, chị Đặng Thị Tình, chủ nhà trẻ Phaolô Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) xúc động nói: “Rinh chiếc tivi màn hình phẳng về, mấy cháu thấy lạ, reo hò thích thú lắm. Mấy cô giáo, bảo mẫu ai cũng mừng như nhà mình có thêm vật dụng mới vậy”.

Toàn thành phố hiện có khoảng 50.000 nữ công nhân lao động/70.000 công nhân lao động đang làm việc tại 6 KCN. Các KCN này đều chưa có hệ thống nhà ở và nhà trẻ dành riêng cho công nhân lao động làm việc tại KCN. Nhu cầu nơi gửi con an toàn của nữ công nhân rất lớn nhưng chưa thể đáp ứng, đặc biệt là thiếu nơi giữ lứa tuổi nhà trẻ sau khi mẹ hết thời gian hộ sản sáu tháng.

Thống kê của Hội LHPN, toàn thành phố hiện có 505 nhóm trẻ ĐLTT. Trong đó, có 183 nhóm trẻ trong khu vực KCN, KCX trên địa bàn các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Theo khảo sát, trong 183 nhóm này có 63 nhóm trẻ có trên 50% trẻ có mẹ là công nhân.

Theo Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ ĐLTT ở KCN, KCX đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 404), trong năm 2015, có 18 nhóm trẻ ĐLTT trên địa bàn các phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) và xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) được hỗ trợ với tổng kinh phí là 330 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, Hội LHPN thành phố đã tổ chức được 12 buổi tuyên truyền giới thiệu về Đề án 404 và cách chăm sóc trẻ đúng cách đến các bậc phụ huynh thuộc 18 nhóm trẻ ĐLTT này. Yêu cầu đặt ra đối với các bên được thụ hưởng là phải duy trì việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ trong vòng 5 năm và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn hằng năm do Sở GD&ĐT thành phố tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố, lộ trình của Đề án 404 là sẽ có 50 nhóm trẻ lần lượt được hỗ trợ trong vòng 3 năm. Như vậy, trong giai đoạn 2016-2017, sẽ có ít nhất 32 nhóm trẻ nữa được thụ hưởng.

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.