Ngày 4-1, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Tin học và Tính toán thuộc Viện Hàn lâm KH&CN tổ chức hội thảo “Giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông xây dựng thành phố thông minh”. T
ham dự hội thảo có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh; GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, trong những năm gần đây, các phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố đã tăng nhanh chóng, trong đó chiếm 80% là phương tiện xe máy; trong khi đó dịch vụ xe buýt đô thị rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 1% khối lượng vận tải hành khách.
Với tốc độ và sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông cá nhân cũng như sự hạn chế về giao thông công cộng đã khiến tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố trở nên phức tạp.
Hiện có 10 nút giao thông, tuyến đường thường xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ như nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn, nút giao thông phía tây cầu Rồng, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương, tuyến đường Trần Phú... Vừa qua, thành phố lắp đặt 36 camera quan sát giao thông tại các nút giao thông trọng điểm.
Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động, loại camera này không nhận diện được biển số xe, hình ảnh thu được không rõ nét nên không thể sử dụng để làm căn cứ xử phạt nguội các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý vận hành đèn tín hiệu giao thông chỉ thông báo có bao nhiêu trường hợp vượt đèn đỏ, ngoài ra không phát hiện các lỗi vi phạm khác.
Với 5 chuyên đề được trao đổi tại hội thảo, lãnh đạo thành phố, các nhà quản lý giao thông đô thị, các nhà khoa học cùng nhau thảo luận về thực trạng giao thông của Đà Nẵng, nêu ra các vấn đề ưu tiên cần giải quyết và tìm kiếm các giải pháp công nghệ thông minh phù hợp để đáp ứng nhu cầu giao thông trên địa bàn thành phố.
Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng lực quản lý, quy hoạch đô thị, giải quyết các vấn đề nóng đang được quan tâm hiện nay như tình trạng quá tải phương tiện tham gia giao thông, tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao thông, tương tác giữa công dân và chính quyền...
Để giải quyết những thách thức trong quá trình phát triển đô thị, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố như xây dựng hệ thống quản lý hạ tầng giao thông trên nền tảng công nghệ thông tin địa lý (GIS); lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông tự động nhận dạng, xử lý các trường hợp vi phạm; nâng cấp Trung tâm điều hành giao thông, lắp đặt các thiết bị kiểm soát như hệ thống điều khiển đèn tín hiệu kết nối về Trung tâm kết hợp kiểm soát qua camera, hệ thống cảm biến lưu lượng xe, cân tải trọng tự động; nghiên cứu ứng dụng hệ thống quản lý bãi đỗ xe thông minh, thu phí tự động để nâng cao năng lực quản lý, giảm thiểu nhân công và thất thoát tài chính; xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) sử dụng công nghệ trợ giúp thuận tiện cho hành khách…
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Hồ Kỳ Minh cho rằng, thời gian qua, các ngành và các cấp của Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, thành phố đáng sống.
Tuy nhiên, hiện nay thành phố vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm hơn nữa để xây dựng đô thị văn minh hiện đại như khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, tắc nghẽn giao thông cục bộ trên nhiều tuyến đường…
Đồng chí đề nghị các ngành, các cấp sớm khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng để xây dựng thành công Chính quyền điện tử và Đề án thành phố thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân thành phố. Trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, các nhà tài trợ đóng góp trí tuệ và nguồn lực cũng như hành động quyết liệt để xây dựng Đà Nẵng hiện đại, văn minh và đáng sống.
HOÀNG HÂN