.

Tướng Nguyễn Chơn và những giai thoại

.

Thượng tướng Nguyễn Chơn, Anh hùng LLVTND, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, VII, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 5 là người con của Hòa Minh (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).

Rời quê hương đi chiến đấu, ông đã chiến thắng trở về đúng như khát vọng suốt hơn 50 năm. Nhớ về ông, đồng đội lại kể về người chỉ huy của mình với những câu nói được lưu truyền thành những giai thoại.

Thiếu tướng Nguyễn Chơn (giữa), Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra phương án tác chiến của Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 đánh địch C84 năm 1983.  Ảnh: XUÂN QUANG
Thiếu tướng Nguyễn Chơn (giữa), Tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra phương án tác chiến của Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 đánh địch C84 năm 1983. Ảnh: XUÂN QUANG

Dựa vào dân là chiến thắng

Cựu chiến binh (CCB) Phan Công Chánh, hiện ở Quảng Ngãi, người tham gia đánh trận Ba Gia nổi tiếng (5-1965) kể rằng, ông không thể nào quên câu nói của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90, Trung đoàn 1 Nguyễn Chơn “Dựa vào dân là chiến thắng” khi ra trận.

Dựa vào dân, tin tưởng ở nhân dân, Tiểu đoàn 90 đã bí mật bố trí trên 600 quân ở hết nhà dân trong xóm An Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Bộ đội ở sát nách địch mà chúng không hề hay biết. Khi Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 51 của địch lọt vào vòng vây của ta, toàn đơn vị xuất kích.

Địch thiệt hại nặng. Số còn lại chạy tán loạn vào làng. Khi dứt cuộc chiến, bộ đội và nhân dân bắt được 217 tên tù binh, Tiểu đoàn trưởng Ngọc nằm trong số này. Tiểu đoàn 90 đã góp phần quan trọng làm nên tên tuổi Trung đoàn 1: “Nhanh như Chóp Nón, Gọn như Ba Gia”.

Trong chiến dịch mùa Xuân 1975, Sư đoàn 2 từ khu chiến Tiên Phước - Tam Kỳ đánh ra Đà Nẵng trong quỹ thời gian chỉ 2 ngày. Trên đường tiến quân, các cầu lớn trên sông Thu Bồn, cầu Bà Rén đều bị địch ném bom phá sập, vậy mà bộ đội vẫn hành tiến với tốc độ nhanh khiến cấp trên phải kinh ngạc.

Đúng như dự liệu của Sư đoàn trưởng, nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng đã tiếp sức cho bộ đội. Thuyền bè qua sông, xe cộ trên đường, dẫn đường vào các mục tiêu, bảo đảm lương ăn trong chiến đấu; từ người nông dân đến anh lái đò, xe ôm, từ chị tiểu thương ở chợ đến các em học sinh, ai giúp việc gì đều giúp. Chính nhờ nhân dân, bộ đội Sư đoàn 2 mới đi hết chặng đường chiến thắng.

Chỉ có tiến, không có lùi!

CCB Trung đoàn 1 Đặng Ngọc Mai nói rằng, chiến thắng Ngọk-tà-vát gắn liền với Trung đoàn trưởng Nguyễn Chơn. Đây là trận đánh nối tiếp xuân Mậu Thân. Tiểu đoàn 40 được lệnh tiến công cứ điểm Ngọk-tà-vát (Quảng Nam).

Lúc đầu, địch lúng túng nhưng sau phản công dữ dội, máy bay C130 liên tiếp nhả đạn; pháo từ Khâm Đức cũng bắn mạnh vào trận địa buộc quân ta mấy lần phải lui ra. Nguyễn Chơn ra lệnh ĐKZ, cối chi viện và chỉ thị cho tiểu đoàn chiếm bằng được cứ điểm trong đêm.

Câu mệnh lệnh của ông “Chỉ có tiến, không có lùi!” là động lực để tiểu đoàn xung phong giữ vững, tiến tới làm chủ trận địa. Địch thừa nhận thất bại và sau này liên tục đến đây tìm hài cốt lính Mỹ.

Đại tá Nguyễn Đức Chuyển, nguyên Phó phòng quân báo Quân khu, nguyên Đại đội trưởng trinh sát Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 kể lại trận đánh Đồi Tranh Quang Thạnh (Quảng Ngãi) trả thù cho nhân dân Sơn Tịnh bị lữ đoàn Mãnh Hổ, Nam Hàn tàn sát.

Quân số địch đến 500 tên và nhiều hỏa lực mạnh, hàng rào nhiều lớp dày đặc, các hố cá nhân có giao thông hào nối liền nhau. Nhà căn cứ ở sâu trong lòng đất 1,5m có bao cát chất xung quanh. Trận đánh ngay từ đầu bất lợi do Tiểu đoàn 40 đi lạc không theo kịp đội hình; Tiểu đoàn 60 vấp mìn làm địch báo động mất yếu tố bất ngờ, khiến ta thương vong nhiều.

Trận đánh tưởng chừng không thực hiện được. Lúc này, đồng chí Nguyễn Chơn là Trung đoàn phó trực tiếp theo sát đội hình. Ông chỉ thị: “Mở cửa đột phá mới, tạo ra yếu tố bất ngờ, tiến lên chiếm lĩnh mục tiêu và chỉ có tiến không có lùi”. Với ý chí quyết tâm, trận đánh đã giành thắng lợi, diệt gần hết tiểu đoàn Rồng Xanh và một đại đội của Lữ đoàn Mãnh Hổ, hạ uy thế hung hăng của một đội quân man rợ.

Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu

Khi nói về kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu trước cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2, Thượng tướng Nguyễn Chơn đã có lời gan ruột rằng, dân chủ quân sự, trí tuệ của tập thể nhất thiết phải thể hiện qua phương án, cách đánh trên sa bàn, bản đồ; từ cán bộ mới đề bạt đến tân binh vừa bổ sung đều nắm vững các tình huống diễn tập, huấn luyện thì mới quyết định thắng lợi. Thao trường có đổ mồ hôi, chiến trường mới bớt đổ máu.

Thiếu tướng Phan Thanh Dư, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 kể về tình huống huấn luyện mà ông không bao giờ quên vào năm 1970, khi Sư đoàn 2 đang ở đường 9 Nam Lào. Sư đoàn trưởng Chơn ra bãi tập Tiểu đoàn 90 thấy thao trường không đạt yêu cầu, ông bảo dừng tập một tuần làm thao trường mới hoàn chỉnh rồi mới tập tiếp.

Đến Tiểu đoàn 60, ông theo dõi bộ đội tập mở cửa đánh chiếm đầu cầu, cũng không vừa ý và nói với cán bộ đi cùng rằng, động tác kỹ thuật chưa thực tế, ý thức tình địch còn kém. Ông chỉ thị cho khẩu đại liên tăng cường chi viện cho đại đội 6 chiến đấu, gài súng 45 độ giương hơi chếch cửa mở và cho khóa chặt súng.

Sau tiếng còi bắt đầu tập, khi có lệnh xung phong, đại liên bắn từng loạt đạn, lá cây rụng tung tóe, mùi thuốc súng khét ngẹt, động tác các chiến sĩ nhanh nhẹn hơn nhiều, thậm chí tiếng súng đã hết bắn mà bò, chạy rất thấp.

Thủ trưởng Chơn cười khoan khoái và nói: “Đấy thấy chưa. Phải rèn luyện cho bộ đội tinh khôn thì ra chiến đấu mới đỡ thương vong”. Ông còn căn dặn cán bộ cấp đại đội: Huấn luyện theo phương án mới đúng với tình huống dự kiến ban đầu. Vào trận đánh cụ thể có những diễn biến khác, người chỉ huy phải suy nghĩ nhều phương án và bình tĩnh xử trí tình huống sáng tạo.

Tư duy mẫn tuệ của ông đã được chứng minh. Đầu năm 1975, tại hội nghị của cơ quan Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn 2 được giao nhiệm vụ tiêu diệt 2 quận lỵ Tiên Phước, Phước Lâm, đánh chiếm cụm cứ điểm Suối Đá. Hội nghị nhất trí phương án 5 hoặc 7 ngày. Sư trưởng Nguyễn Chơn đề nghị cấp trên cho đánh trong 24 giờ.

Ý kiến của ông làm mọi người sôi động lên. Sau khi bảo lưu ý kiến cho rằng, địch đông nhưng không mạnh, ông nói nghiêm trang: “Nếu không thành công mà Chơn này có chết thì cũng cứ đào mồ lên gông lại mà kiểm điểm”. Câu nói đó đã thuyết phục hội nghị. Trở về đơn vị, ông cho đắp ngay một sa bàn lớn có địa hình xuống tận đường số 1.

Các cán bộ tác chiến nói rằng, từ trước đến nay chưa có sa bàn nào lớn đến thế. Từng đơn vị bước vào huấn luyện y như thật. Sau đó sư đoàn tổ chức giao nhiệm vụ cho các trung đoàn trên sa bàn. Nhờ chuẩn bị kỹ, chỉ sau 16 giờ tấn công, các mục tiêu đợt 1 của chiến dịch đã giải quyết xong trước thời hạn 24 giờ. Và đây chính là bàn đạp để Sư đoàn tiến đến giải phóng Tam Kỳ và Đà Nẵng.

“1 diệt, 4 cắt”

Có rất nhiều ngôn từ hay nhất để nói về nghệ thuật câm quân của người chỉ huy Nguyễn Chơn trên khắp chiến trường từ đồng bằng lên Tây Nguyên từ trong nước qua hai nước bạn Lào và Campuchia: “Cảm nhận khói thuốc mới xuất trận”, “Xuất trận là đánh thắng”, Nắm thắt lưng dịch mà đánh”, “Đánh cho địch không kịp trở tay”, “Nắm thời cơ và kiên quyết”, “Vào tận hang ổ địch để diệt địch”, “Mang sở chỉ huy mình đặt cạnh sở chỉ huy địch”, “Lấy ít đánh nhiều”, “Tiêu diệt gọn, thương vong ít”, “Trí dũng song toàn” “Sáng tạo và táo bạo”, “Thực tế và cụ thể”,  “Giỏi đánh giặc, giỏi nắm tâm lý đối phương”...

Lại có một Nguyễn Chơn với phương châm chỉ huy có một không hai mà ông bảo các cán bộ của ông phải thuộc nằm lòng là: “1 diệt, 4 cắt”. Theo đó, chia cắt bộ binh của địch với không quân, bộ binh với pháo binh, bộ binh với xe tăng và bộ binh với bộ binh nhằm hạn chế hỏa lực địch, phát huy tối đa hỏa lực bắn thẳng của ta.

Đại tá Lê Hữu Lộc, nguyên Trưởng Ban biên tập báo Quân Giải phóng miền Trung Trung bộ nhớ lại trận đánh mà ông có dịp ở bên Thượng tướng Nguyễn Chơn ở đường 9 Nam Lào. Theo mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Sư đoàn 2 từ nhiệm vụ chủ yếu là “giữ gôn” gấp rút chuyển sang tấn công tiêu diệt sư đoàn 1 ngụy đổ quân xuống các điểm cao 748, 660 và 462… Sư trưởng Chơn đề ra cách đánh: Vừa dùng hỏa lực đánh nát bên trong, vừa thắt chặt dùng lực lượng nhỏ đột phá đánh chiếm từng trận địa giữ lại, dùng 2 tiểu đoàn đón lõng, rồi nới lỏng để địch tháo chạy ra ngoài công sự về phía đông.

Sau đó, dùng các mũi tiến công từ phía tây và tây nam xuống để tiêu diệt. Bày binh bố trận xong, ông chỉ đạo các đơn vị làm theo mệnh lệnh. Điều Tiểu đoàn 40 làm lực lượng tấn công chủ yếu; tiểu đoàn công binh, đặc công, ngăn chặn dọc đường giao liên; pháo binh đánh mạnh vào điểm cao 723; phòng không khống chế không cho trực thăng hạ cánh. Trận đánh đã diễn ra đúng như ý đồ của ta, Sư đoàn 2 đã thắng lợi giòn giã ở chiến trường đường 9 Nam Lào…

Thượng tướng, PGS Nguyễn Thế Trị, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, người dành nhiều thời gian nghiên cứu tài cầm quân của vị tướng Đà Nẵng nói rằng: “Thượng tướng Nguyễn Chơn đã để lại kho tàng lý luận có giá trị to lớn về nghệ thuật chỉ huy.

Kho tàng đó được đúc kết, bổ sung vào nền quân sự độc đáo của Việt Nam trong thời bình”. Chính những câu nói nổi tiếng của ông càng làm những giai thoại về danh tướng Nguyễn Chơn ngỡ như bất tận. Ông là đề tài hấp dẫn mà mỗi khi cán bộ, chiến sĩ Khu 5 kể về ông thêm ngưỡng mộ, tự hào.

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.