Chính trị - Xã hội

Xã hội hóa đơn vị sự nghiệp văn hóa công lập: Xu thế tất yếu

Bài cuối: Cần có lộ trình

08:03, 05/01/2016 (GMT+7)

Để giải quyết thực trạng các đơn vị sự nghiệp công lập ngốn tiền tỷ từ ngân sách nhưng hoạt động không hiệu quả, xã hội hóa được xem là hướng đi phù hợp.

Cần có lộ trình xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập ngành văn hóa.
Cần có lộ trình xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập ngành văn hóa.

Khởi đầu từ Nhà hát Trưng Vương

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại cuộc họp Thành ủy ngày 4-12-2015 về việc đẩy mạnh xã hội hóa một số đơn vị sự nghiệp công lập, chiều 23-12 vừa qua, các đơn vị được giao nhiệm vụ là Sở Nội vụ, Sở VH-TT&DL và Sở Tài chính đã có cuộc họp bàn sơ bộ, nghiên cứu Đề án xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương.

Ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, cuộc họp này chỉ mới thành lập tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu Đề án xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương để trình UBND thành phố. Trước mắt, tổ công tác sẽ đánh giá hoạt động 3 năm qua của Nhà hát Trưng Vương, từ đó mới xây dựng kế hoạch xã hội hóa như thế nào cho phù hợp.

“Theo tôi, đơn vị sự nghiệp công lập nào hoạt động không hiệu quả thì phải xã hội hóa. Đây là hướng đi phù hợp để giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, tăng tính linh hoạt cho đơn vị công lập. Không chỉ Nhà hát Trưng Vương mà nhiều thiết chế văn hóa khác đang hoạt động ì ạch cũng cần phải xã hội hóa.

Riêng Nhà hát Trưng Vương phải làm sớm. Một năm thành phố đầu tư vào đó biết bao nhiêu tiền, nhưng chưa làm ra sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn để thu hút người dân và du khách đến với nhà hát thì phải xem lại”, ông Thương nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, cả nước chỉ có mỗi Nhà hát Trưng Vương hiện nay vẫn thực hiện việc “cõng” một đoàn ca múa nhạc. Vì thế, nếu xã hội hóa Nhà hát Trưng Vương thì nên xem xét cẩn trọng “số phận” của Đoàn ca múa nhạc, cũng như tính toán việc tham gia các sự kiện của thành phố sau này sẽ như thế nào...

Cân nhắc đối với một số đơn vị đặc thù

Tại Đà Nẵng, riêng ngành văn hóa, hiện có 19 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở VH-TT&DL. Ngoài Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tự chủ 100% và hằng năm còn đóng góp cho ngân sách thành phố, thì còn lại đều chịu sự bao cấp của Nhà nước.

Một số đơn vị sự nghiệp khác có thu nhưng không đáng kể như: Nhà hát Trưng Vương, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, Trung tâm Quản lý quảng cáo, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Bảo tàng Lịch sử...

Như vậy, để các đơn vị này tiến đến tự chủ tài chính (bước quan trọng trong xã hội hóa hoạt động của các đơn vị) theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thì hướng đi xã hội hóa là đúng đắn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đối với một vài đơn vị đặc thù, không tạo ra doanh thu thì thành phố nên có chủ trương chuyển mạnh sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ để các đơn vị sự nghiệp có nguồn thu, thực hiện tự chủ tài chính.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Sở đang lập kế hoạch trình UBND thành phố phê duyệt tiến độ tự chủ tài chính, tiến độ xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.

Định hướng là đơn vị nào không có thu, nhưng chức năng có thì xác định phải bao cấp toàn diện; đơn vị nào trùng lặp chức năng thì ghép lại trả về cho đúng cái tên gọi và chức năng của nó cho đúng với hệ thống định hướng của Trung ương; đơn vị nào đã ra khỏi bao cấp thì phải theo chủ trương, định hướng tự chủ của Chính phủ.

“Văn hóa là một ngành đặc thù, thu ít - chi nhiều. Do đó, chúng tôi sẽ cân nhắc thận trọng, tham mưu cho thành phố để có lộ trình cụ thể, phát huy hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm gánh nặng ngân sách thành phố.

Chúng tôi cũng đang hy vọng và chờ đợi trong những năm tới, chủ trương của Chính phủ sẽ quyết liệt hơn. Lúc đó, Chính phủ chỉ định đơn vị nào phải thoát khỏi bao cấp, tự chủ 50%, 70% hay 100%... thì sẽ định hình rõ nét cho từng đơn vị”, ông Chiến nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.